Đây là trường hợp hy hữu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nước chủ nhà Trung Quốc phải hoãn Đại hội thể thao châu Á (Asiad) lại 1 năm (từ năm 2022 sang 2023). Nhưng chính điều này cũng tạo một cơ hội để thể thao Việt Nam có một tính toán, lựa chọn phù hợp hơn cho chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao.
Có lẽ cũng cần nhắc lại, Việt Nam đã từng nhận quyền đăng cai Asiad 2018 và rồi lại phải rút lui vì lý do tài chính. Nghĩa là gần 10 năm trước, tham vọng của thể thao Việt Nam đã được xác lập, đó là tập trung “tấn công” vào các môn thể thao đỉnh cao ở tầm vóc châu lục và nâng cấp toàn diện chất lượng nền thể thao quốc gia thông qua việc đăng cai sự kiện lớn nhất châu Á.
Thực tế cũng đã chứng minh, ở kỳ SEA Games thứ 2 đăng cai tổ chức hồi năm ngoái, chúng ta đã làm rất tốt, thành tích hoàn toàn vượt trội. Nói một cách khác, thể thao Việt Nam đã vượt trội so với sân chơi Đông Nam Á nên cần phải quay lại và tập trung quyết liệt cho mục tiêu nâng tầm trình độ cũng như sẵn sàng đăng cai Asiad ngay từ lúc này.
SEA Games 32 vẫn là một đấu trường không thể bỏ qua, ý nghĩa của sự kiện này vẫn có giá trị về mặt kết nối cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là với một nguồn lực cố định, có phần hạn chế, thì thể thao Việt Nam sẽ chọn việc bảo vệ ngôi đầu khu vực ở SEA Games hay tìm cách cải thiện thứ hạng ở Asiad?
Nếu không có gì thay đổi thì sự kiện châu lục sẽ diễn ra chỉ 4 tháng sau SEA Games, và tại Asiad lần này có thể sẽ có sự tham gia của đoàn thể thao Nga và Belarus. Đó gần như là một Olympic thu nhỏ và một sự kiện hiếm có.
Cách đây 5 năm, ở Asiad 2018, dù vượt chỉ tiêu khi đoạt 4 HCV nhưng đó là kỳ đại hội mà một số nội dung được đầu tư trọng điểm, đặt kỳ vọng cao lại thi đấu không thành công. Trong 4 HCV thì có đến 2 tấm là của môn võ penkat silat vốn không có trong chương trình Olympic.
Về mặt con số thì tốt nhưng thực ra tại Asiad 2002, chúng ta cũng đã từng đạt đến số lượng HCV này. Thế nên, tại Asiad sắp tới mà không thể thay đổi được số lượng huy chương thì có nghĩa hơn 2 thập kỷ phát triển, với 2 lần dẫn đầu về thành tích tại SEA Games, nhưng thể thao Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ ở cấp châu lục.
Bên cạnh đó, về giá trị tinh thần, Asiad thực sự quan trọng và danh giá. Những chiến thắng ở SEA Games cho dù cũng là kết quả của nỗ lực, mồ hôi, nước mắt của các vận động viên nhưng xét trên tổng thể thì chưa phản ánh được nội lực của nền thể thao nước nhà. Cho nên, Asiad không chỉ là đấu trường đẳng cấp, mà còn là chỉ dấu sức mạnh quốc gia.
Không phải tự nhiên mà những nền thể thao lớn nhất châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan… đều đến từ những quốc gia mạnh về kinh tế. Xét về khía cạnh thể thao, những giấc mơ Olympic chắc chắn cũng phải trải qua hiện thực tại Asiad, đại hội thể thao chỉ xếp sau Olympic về quy mô cũng như chất lượng. 3 trong số 10 quốc gia có nền thể thao mạnh nhất thế giới là đến từ châu Á.
Thành công vang dội từ SEA Games 31 cho phép thể thao Việt Nam khép lại những mục tiêu thành tích ở SEA Games, không nên coi thành tích ở SEA Games là cứu cánh. Sân chơi này cần được định hướng lại, với trọng tâm là các môn mang tính khu vực nhằm tăng tính kết nối cộng đồng, khuyến khích các môn xã hội hóa kinh phí tham gia để giao lưu và là cơ hội trẻ hóa các đội tuyển ở những môn trọng điểm Olympic.
Cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn cho các kỳ Asiad, bao gồm các đợt thi vòng loại Olympic hoặc các giải vô địch châu Á ở từng bộ môn. Có như vậy mới sử dụng hiệu quả ngân sách, thu hút được nguồn lực tài trợ chất lượng, tổ chức được các đợt tập huấn nước ngoài hoặc thuê chuyên gia đẳng cấp.
Cứ lấy bài học từ bóng đá Việt Nam, với những thành tích nổi bật ở châu Á, đã cho thấy mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng thuận lợi rất nhanh. Chưa biết khi nào Việt Nam sẽ xin quyền đăng cai Asiad một lần nữa, nhưng chắc chắn đó phải là mục tiêu cần sớm đặt ra để hành động.