Đoàn công tác Quốc hội giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia tại Sóc Trăng

Ngày 17-7, Đoàn giám sát của Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội dẫn đầu đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, nguồn vốn huy động từ năm 2021 đến năm 2023 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 10.657 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hơn 9.862 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 136,3 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 654,1 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Sóc Trăng có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 80%). Trong đó, có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 đơn vị cấp huyện (Ngã Năm, Vĩnh Châu) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến ngày 30-6-2023, chương trình đã giải ngân được 95,69 tỷ đồng (đạt hơn 50,6%).

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với kết quả đạt được là giảm 7.270 hộ nghèo (giảm 2,19%, từ 6,73% xuống còn 4,54%, tương đương 15.139 hộ); hộ cận nghèo giảm 3.527 hộ (giảm 1,07%, từ 8,94% xuống còn 7,87%, tương đương 26.242 hộ).

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua 2 năm triển khai thực hiện đến nay có 13/24 mục tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, các mục tiêu còn lại đảm bảo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia mà tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được trong thời gian qua. Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Đoàn giám sát sau 2 tuần làm việc.

Đặc biệt, báo cáo cần đánh giá kết quả giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà địa phương đã kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành… Từ đó, Đoàn giám sát sẽ có cơ sở kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục kịp thời sửa đổi các văn bản hướng dẫn, nâng cao tính khả thi và thực hiện hiệu quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong ngày, Đoàn giám sát đã chia làm 2 tổ đến làm việc tại huyện Châu Thành và huyện Trần Đề. Dịp này, Đoàn cũng đã trao 30 phần quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Tin cùng chuyên mục