Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM làm việc với Viện Công nghệ MIT và ĐH Harvard Kennedy

Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Trường Kinh doanh MIT Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)...
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao đổi cùng các giáo sư Trường Kinh doanh MIT Sloan thuộc Viện Công nghệ MIT. Ảnh: KHẮC VĂN
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao đổi cùng các giáo sư Trường Kinh doanh MIT Sloan thuộc Viện Công nghệ MIT. Ảnh: KHẮC VĂN

Trong khuôn khổ chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, tối 13-12 (giờ Việt Nam), tại TP Boston, Tiểu bang Massachusetts, đoàn đại biểu cấp cao TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Trường Kinh doanh MIT Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - một trong những viện đại học hàng đầu của thế giới.

Tại đây, Hiệu trưởng Trường MIT Sloan David Schmittlein và các giáo sư đã giới thiệu với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng các thành viên trong đoàn về các chương trình nghiên cứu, đào tạo của MIT về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, những yêu cầu đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp (Chương trình MIT REAP).

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu mong rằng Trường MIT Sloan tiếp tục kênh liên lạc với TPHCM để trao đổi về dự án hợp tác cụ thể, phù hợp; tin tưởng Trường MIT Sloan sẽ giúp tư vấn cho TPHCM trong các chương trình phát triển khoa học - công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và đoàn đại biểu cấp cao TPHCM tham dự tọa đàm
Ngay sau đó, đoàn đã tham dự buổi tọa đàm với Trường ĐH Harvard Kennedy. Trình bày mở đầu tọa đàm với tham luận “Những thách thức về phát triển đô thị trong thế kỷ 21 với trọng tâm là Thành phố Hồ Chí Minh”, GS David Dapice, Trường ĐH Harvard Kennedy dự báo đến năm 2050, 66% dân số thế giới sẽ sống ở đô thị và dịch vụ sẽ là nguồn tạo việc làm chủ yếu cho đô thị. TPHCM đã trải qua một bước nhảy vọt về tỷ trọng người lao động trong các ngành dịch vụ. Từ năm 2011 đến 2017, tỷ trọng dịch vụ của TPHCM tăng vọt từ 37,5% lên 60% tổng lao động. Tuy nhiên, cả nước Việt Nam chỉ tăng ở mức vừa phải, từ 31,4% lên 34%. Điều này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của các thành phố lớn trong việc phát triển và thu hút dịch vụ cấp cao.
GS David Dapice cho rằng, các thành phố thành công sẽ tăng trưởng chủ yếu bằng dịch vụ giá trị gia tăng tăng cao - điều này đòi hỏi phải thu hút người tài, yếu tố tích cực để thúc đẩy dịch vụ giá trị cao chính là có “nền quản trị tốt”, bao gồm: giáo dục và chăm sóc y tế tốt; một thành phố “hoạt động hiệu quả” với môi trường và giao thông tốt; ít quan liêu; hệ thống tài chính tốt... Ngoài yếu tố quản trị còn cần tới nguồn lực tài chính, với giải pháp bao gồm: chi tiêu hiệu quả hơn, tỷ lệ giữ lại từ thuế cao hơn và vay mượn thông minh với phương thức đối tác công tư (PPP).

Sau phần trình bày tham luận tiếp nối của TS Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbright Việt Nam và ĐH Harvard Kennedy về các “kênh” huy động nguồn lực tài chính từ thuế địa phương, trái phiếu, thuế tài sản, phí, đầu tư cơ sở hạ tầng…, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, phân tích sâu về các nội dung này.

Tiếp nối cuộc tọa đàm, các học giả, chuyên gia của ĐH Harvard cùng các đại biểu của đoàn cấp cao TPHCM đã đi sâu phân tích, thảo luận đưa ra các ý kiến, đề xuất nhằm tháo gỡ các nút thắt về cơ chế huy động tài chính để phát triển hạ tầng của TPHCM cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng đô thị thông minh ở các TP trên thế giới, đúc rút các yếu tố dẫn đến thành công hoặc thất bại để TPHCM áp dụng có hiệu quả trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh.
Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM làm việc với Viện Công nghệ MIT và ĐH Harvard Kennedy ảnh 2 Đại diện Công ty SHoP trình bày với đoàn vể kế hoạch xây dựng Trường Đại học Fulbright Việt Nam
Sáng 14-12 (giờ Việt Nam) đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã nghe trình bày của Công ty SHoP về quy hoạch tổng thể và kế hoạch xây dựng Trường Đại học Fulbright Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM.
Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM làm việc với Viện Công nghệ MIT và ĐH Harvard Kennedy ảnh 3 Mô hình trường Đại học Fulbright Việt Nam
 Theo đó, trường có thiết kế hiện đại với đầy đủ các phân khu chức năng, hài hòa văn hóa Việt Nam, với 215.000m² sàn, được xây 3 giai đoạn trong vòng 20 năm, đáp ứng cho  5.000 sinh viên học tập và lưu trú. 

Tin cùng chuyên mục