Những ngày qua, cả thế giới đã được chứng kiến một tinh thần, một nền tảng văn hóa - giáo dục đáng khâm phục của người dân Nhật Bản trước thảm họa. Nhiều ngàn người chết, nhiều ngàn người khác mất tích, nhiều vùng đất nước bị phá hủy hoàn toàn bởi trận động đất và sóng thần lớn nhất lịch sử nhưng từng người dân xứ sở hoa anh đào vẫn kiên cường, bình thản, trật tự, gắn bó cùng nhau vượt qua gian khó. Qua đó, người ta càng hiểu về sự vĩ đại của một dân tộc, càng hiểu vì sao một đất nước phải sống trong những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, họ vẫn nhanh chóng vượt lên trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về mọi mặt.
Những ngày này, sau thời gian dài khủng hoảng và suy thoái kinh tế, một thế giới bất an bởi thảm họa thiên nhiên và chiến tranh lại đang tiếp tục trở nên nghiêm trọng ở nhiều nơi. Trong bối cảnh chung đó, đất nước Việt Nam chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tại phiên họp trung tuần tháng 3-2011 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Bộ Chính trị kết luận: Bước sang năm 2011, nước ta có những thuận lợi cơ bản: nền kinh tế tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn.
Trên thế giới, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp; những biến động về chính trị, xã hội ở một số nước Trung Đông và châu Phi tác động làm tăng mạnh giá dầu mỏ, giá vàng, lương thực và một số loại nguyên vật liệu cơ bản; thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là khu vực đồng Euro vẫn bất ổn; lạm phát bắt đầu tăng cao ở một số nước trong khu vực vốn là thị trường nhập khẩu quan trọng của nước ta.
Ở trong nước, kinh tế - xã hội tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thậm chí lớn hơn so với dự báo cuối năm trước về lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Tình hình trên tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo như Quốc hội đã thông qua và Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra…
Nguyên nhân đã được chỉ rõ, các nhóm giải pháp cơ bản cũng đã được đề ra. Đồng thời với việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ đã ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24-2-2011 “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp ngành triển khai thực hiện khẩn trương những giải pháp đối với các vấn đề quan trọng. Trong đó, tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011 vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo.
Trong thời gian vừa qua, chính quyền các ngành các cấp, đặc biệt ở những địa phương bị ảnh hưởng lớn bởi những tác động tiêu cực như Hà Nội, TPHCM… đã ra sức quán triệt các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, vận động nhân dân chung sức chung lòng vượt qua khó khăn. Nhiều nơi, nhiều người, nhiều tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang làm rất tốt điều đó. Tuy vậy, dự báo những khó khăn có thể sẽ còn diễn biến phức tạp, ở trong cũng như ngoài nước; trong quá trình thực hiện các giải pháp nói trên, chắc chắn sẽ còn có những phát sinh ngoài mong muốn. Vì thế, từ bài học của nước Nhật, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan đơn vị trên đất nước Việt Nam chúng ta, bằng tinh thần và trách nhiệm công dân đối với đất nước, hãy tiếp tục đoàn kết gắn bó, phát huy sáng kiến, đóng góp khả năng, cùng các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt các giải pháp ổn định kinh tế - xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân, từng bước đưa đất nước vượt qua khó khăn thách thức để tiếp tục phát triển…
PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG