Thực thi các hiệp định liên quan đến dịch tễ và hàng rào thương mại

Doanh nghiệp chưa quan tâm, chính sách còn bất cập

Gia nhập WTO đồng nghĩa hàng rào thuế quan giữa các quốc gia sẽ được dỡ bỏ dần theo lộ trình, thay vào đó, các rào cản thương mại sẽ “mọc” lên. Đây là cách duy nhất và tất yếu để các nước bảo vệ người tiêu dùng, lợi ích quốc gia, sản xuất trong nước… Tuy nhiên, kết quả cuộc hội thảo “Thực thi các hiệp định SPS và TBT” do Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban châu Âu tổ chức tại TPHCM ngày 24-10 nhằm đánh giá lại 1 năm thực thi cam kết của Việt Nam (VN) đã cho thấy một thực trạng đáng quan ngại.

Chỉ hơn 2.000 tổ chức áp dụng tiêu chuẩn TBT

Một trong những cam kết của VN ngay sau khi gia nhập WTO là thực thi đầy đủ Hiệp định về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) và Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT). Điều này rất quan trọng vì nếu các DN không đáp ứng được các tiêu chuẩn (TC), quy định (hay còn gọi là hàng rào thương mại) từ mỗi quốc gia đưa ra, đương nhiên sẽ không thể xuất khẩu hàng hóa vào quốc gia đó.

Trên thực tế, theo số liệu của Câu lạc bộ ISO VN, tính đến hết năm 2006, cả nước mới có hơn 2.000 tổ chức đã áp dụng các TC của TBT (gồm doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan nhà nước…) nhận chứng chỉ ISO 9000 (hệ thống quản lý ổn định cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ), ISO 14000 (an toàn về môi trường), GMP (đảm bảo tính an toàn sử dụng khi cung ứng các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người), HACCP (hệ thống quản lý đảm bảo tính an toàn xã hội khi sử dụng thực phẩm), SA 8000 (hệ thống quản lý đảm bảo an toàn môi trường làm việc để phát triển bền vững nguồn nhân lực), SQF (chất lượng an toàn thực phẩm)… Con số này so với hàng trăm ngàn tổ chức đang hoạt động, quả là còn quá bé nhỏ.

“Trong biển cả đầy cam go, chiếc thuyền ISO 9000 của VN đang lẻo đẻo ở tốp cuối, liệu có đương đầu được với bão táp, cuồng phong cạnh tranh thế giới?” – một chuyên gia khoa học đã thốt lên như vậy.

Do chưa thực hiện tốt các tiêu chuẩn của TBT và SPS nên hàng hóa xuất khẩu của VN, đặc biệt là hàng nông sản đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu của ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, là một minh chứng. Về lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, trong năm 2006 - 2007 có 8 trường hợp hàng thực vật bị nhiễm tạp chất và bị trả về; 97 trường hợp hàng thực vật bị nhiễm sinh vật.

Trong lĩnh vực thú y và thủy sản, theo số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), trong năm 2004 - 2005 có khoảng 400 lô hàng bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ vì bị nhiễm bẩn, dư lượng thuốc thú y…

Bà Phạm Thu Giang (Bộ Công thương) cũng thừa nhận, ý thức của DNVN đối với TBT còn quá kém. Ngay sau khi VN gia nhập WTO, bộ đã tổ chức một bộ phận chuyên trách gửi e-mail đến hầu hết DN để đăng ký liên lạc, nếu các mặt hàng xuất khẩu gặp trục trặc gì thì bộ sẽ báo trực tiếp cho DN để phối hợp xử lý. Nhưng thời điểm này, bộ chỉ mới nhận được 30 e-mail của các DN đăng ký(!?).

75% TCVN chưa hài hòa TC quốc tế tương ứng

Có khá nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các DNVN chưa mấy quan tâm đến các TC của TBT và SPS là vì việc triển khai thực hiện của các bộ, ngành chưa tới nơi, tới chốn. Quy định kỹ thuật dựa trên 6.000 TCVN nhưng hiện VN mới chỉ “hài hòa hóa” được 25% so với TC quốc tế tương ứng. Theo ông Lê Quốc Bảo, Giám đốc Văn phòng TBT VN, tỷ lệ này không cao nếu so với một số nước thành viên thuộc EU, ASEAN 6… Dự kiến, tỷ lệ này sẽ được nâng lên 35%-40% vào năm 2010.

Cùng quan điểm trên, bà Giang cũng cho rằng, sở dĩ chúng ta đã thành lập được văn phòng TBT tại 64 tỉnh thành cả nước nhưng hoạt động vẫn chưa hiệu quả là vì các phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu. Thiết bị chưa đồng nhất giữa các phòng thí nghiệm khu vực, phương pháp thử nghiệm chưa hài hòa dẫn đến kết quả bị sai lệch… Điều này có thể lý giải việc vì sao khi phát hiện một số loại trái cây của Trung Quốc nhập khẩu vào VN không đảm bảo vệ sinh, nhưng chúng ta vẫn không thể “cấm cửa”!

Ông Hoàng Trung, chuyên gia Dự án Mutrap, cũng cảnh báo, các quy định của VN liên quan đến Hiệp định SPS chưa cụ thể. Hệ thống pháp lý của VN thiếu và chưa đồng bộ. Mức độ bảo vệ của các biện pháp SPS hầu hết cũng thấp hơn so với các tiêu chuẩn, quy định quốc tế và chưa được xây dựng trên bằng chứng khoa học hay chứng minh kỹ thuật…

Theo nhận định của ông Digby Gascoine và ông Paolo R.Vergano, chuyên gia tư vấn của Dự án Mutrap, VN đã cam kết thực thi đầy đủ đối với các hiệp định TBT và SPS. Tuy vậy, việc triển khai đến thời điểm này vẫn chưa đạt hiệu quả cao và đang bộc lộ nhiều khoảng trống về chính sách. Phía VN cần rà soát lại hệ thống các văn bản pháp lý vừa để tuân thủ những yêu cầu minh bạch hóa, vừa tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, VN có quyền áp dụng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe của con người hoặc động thực vật. VN có thể quyết định mức độ bảo vệ chống lại các rủi ro mà VN muốn nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với thương mại. Đây là các quyền lợi cơ bản của VN khi áp dụng và thực thi các hiệp định. 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục