Doanh nghiệp đuối sức

Trong 2 tháng qua, cả nước đã có 28.400 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hoặc ngừng chờ làm thủ tục giải thể. 55% DN đang hoạt động được khảo sát cho biết: Dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh năm 2020.
Ngành dược phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Ngành dược phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Lo tình hình kinh doanh xấu đi

Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Tổ chức Infocus Mekong Research, chia sẻ: “Tôi đã ở Việt Nam hơn 26 năm qua, chưa bao giờ chứng kiến triển vọng về kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề như vậy, thậm chí trong giai đoạn 2010-2011 khi bong bóng bất động sản tan vỡ. Khảo sát của Infocus Mekong Research được thực hiện trên 242 chủ DN cho thấy, có 20% chủ DN khẳng định triển vọng phát triển tốt hơn, tỷ lệ DN khẳng định giữ được mức tăng trưởng tương đương năm 2019 là 25%. Còn nhận định tình hình sẽ tệ hơn chiếm đa số với hơn 55% DN. 

Nguyên nhân được đề cập nhiều là do nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc bị giảm sút, chi phí cao hơn so với trước. Tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, nguyên liệu chỉ còn đủ duy trì sản xuất đến hết quý 1. Trước diễn biến dịch bệnh kéo dài, đơn vị này đã chuẩn bị phương án dự phòng, tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ nhiều thị trường khác. Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng 5%-10%, có nơi lên đến 20%, sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất.

Trên thực tế, đồng loạt một số ngành công nghiệp như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, sản xuất xe có động cơ, sản xuất thiết bị điện, đồ uống, trang phục… có chỉ số sản xuất giảm 0,9%-8,6%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tuy không ở mức giảm, nhưng chỉ có mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Duy chỉ có một số sản phẩm còn duy trì được đà tăng trưởng cao là sản xuất linh kiện điện thoại, thép thanh, thép góc, điện thoại di động, tăng 25,5%-28,9%. 

2 tháng qua, sở dĩ các DN trong nhiều lĩnh vực vẫn giữ được đà tăng trưởng là do nguyên liệu sản xuất nhập khẩu từ cuối năm 2019 vẫn còn tồn kho. Từ tháng 3, việc duy trì đà tăng trưởng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do nguồn nguyên liệu sản xuất cạn kiệt và nguồn nguyên liệu thay thế còn nhiều hạn chế. Hoạt động giao thương giữa nhiều quốc gia cũng sẽ bị chậm, thậm chí gián đoạn do lệnh phong tỏa được mở rộng để phòng ngừa lây lan dịch bệnh. 

Đẩy nhanh giải pháp hỗ trợ đến DN

Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng chịu ảnh hưởng như nhau. Du lịch, khách sạn, bán lẻ, kinh doanh ăn uống và sản xuất, hậu cần là những ngành hiện đang thiệt hại lớn nhất. Nhiều điểm hoạt động vui chơi, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, ăn uống… đã đóng cửa, thu hẹp kinh doanh để giảm áp lực chi phí thuê mặt bằng. Kết quả khảo sát của Infocus Mekong Research cũng cho thấy, hiệu quả hoạt động đã giảm 20%-50%, tùy theo khu vực kinh tế và địa lý. Mức doanh thu đã giảm 13,48% so với cùng kỳ năm 2019.

Giải pháp nào giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn hiện nay? Bộ Công thương đã cùng DN xúc tiến tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu tại nhiều thị trường. Các bộ ngành đang phối hợp tháo gỡ nhanh những nút thắt trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, kết nối giao thương, thanh toán điện tử, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục thông quan... Các tổ chức tín dụng đã đẩy nhanh hoạt động giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất vay cho DN. Chính phủ cũng có động thái mạnh khi ban hành 7 giải pháp hỗ trợ DN. Phải kể đến là gói tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch bệnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý 1 và quý 2 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của DN do Nhà nước định giá. Để chia sẻ khó khăn chung, nhiều hệ thống bán lẻ đã giảm chi phí thuê quầy kệ, mặt bằng cho DN...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực từ nhiều phía sẽ phần nào giảm gánh nặng khó khăn cho DN. Tuy nhiên, vấn đề cần nhất hiện nay vẫn là kiểm soát nguồn nguyên liệu sản xuất được tại nội địa. Theo đó, thực hiện ưu tiên nguồn nguyên liệu sản xuất cho DN trong nước thay cho tập trung xuất khẩu. Riêng các DN sản xuất, ngoài những nỗ lực đẩy nhanh xuất khẩu, đây cũng là thời cơ phát triển thị phần nội địa. Chỉ cần duy trì ổn định sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN sẽ có đà tăng trưởng mạnh ngay khi dịch bệnh được ngăn chặn.

Tin cùng chuyên mục