Cửa biển Sa Cần (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) những ngày này có hàng trăm chiếc tàu neo đậu. Các tàu từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi nằm im nghỉ ngơi sau một năm xuôi ngược. Những lá cờ đỏ tung bay phất phới trên mỗi chiếc tàu. Dưới mũi thuyền, những chậu cúc, vạn thọ bày biện đẹp mắt.
Thành kính mang những lễ vật gồm hộp bánh, trái cây, rượu gạo, muối, hoa... bày ra mũi thuyền, ông Đầy nghiêng mình kính cẩn khấn vái. Sau lời khấn, ông rải gạo và muối, nghiên chén đổ rượu xuống nước... Khi nén nhang cháy gần hết, ông rải nhang xuống nước và khấn vái cảm tạ.
Lúc này, mọi người ở lại thuyền để treo lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước thuyền và trên mui thuyền. “Cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng không thể thiếu, ở nhà cũng treo cờ Tổ quốc và đến thuyền cũng làm lễ treo cờ. Thuyền được ngư dân ví như căn nhà trên biển nên nhà sao, thuyền vậy", ông Đầy chia sẻ.
Con tàu QNg-55199 TS gồm có 6 thuyền viên của ông Đầy hành nghề lưới vây, mỗi chuyến đi từ 2-3 ngày, trung bình mỗi chuyến khai thác 3-4 tấn cá. Cuộc sống các ngư dân vì thế luôn ổn định và bình an. Nói về Tết thuyền, ông Đầy cho rằng: "Mỗi năm biển cho tôm cá, ngư dân đi đánh bắt được mùa là nhờ có thần phù hộ, che chở, tàu bình an vươn khơi. Tết thuyền vì thế được xem như hành động đáp nghĩa đối với người bạn đã cùng đoàn ngư dân vươn khơi".
Theo nhiều ngư dân ở địa phương, lễ Tết thuyền có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sau khi cúng ở thuyền xong, ngư dân luôn mang bánh, kẹo thắp hương trước mũi thuyền. Và chủ ghe sẽ trở về gia đình quây quần, kể cho nhau nghe về những câu chuyện vui buồn sau một năm ra khơi. Đây còn là dịp để chủ tàu và các thuyền viên gặp gỡ và cảm ơn đã đồng hành trên những chuyến ra khơi. Sáng mùng 2 tết, chủ thuyền lại tiếp tục cúng lần thứ hai và xuất hành đầu năm trong sự reo hò, cổ vũ của người dân xứ vạn chài.