Đôi bên cùng có lợi

Sau thời gian im hơi lặng tiếng, gần đây Trung Quốc đã tỏ rõ ý định đóng một vai trò lớn hơn ở Syria thông qua hình thức viện trợ kinh tế để khắc phục hậu quả chiến tranh. 
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), Syria cần ít nhất 200 tỷ USD để tái thiết đất nước ở thời hậu chiến. Ảnh: REUTERS
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), Syria cần ít nhất 200 tỷ USD để tái thiết đất nước ở thời hậu chiến. Ảnh: REUTERS

Khác với các bên tham gia cuộc nội chiến Syria, Trung Quốc chỉ góp mặt trong lĩnh vực kinh tế, hình thức hợp tác mang lại lợi ích lớn mà không tổn hao về mặt quân sự. Khi Tổng thống Nga Putin kêu gọi một sự chuyển đổi cấp bách của cộng đồng quốc tế sang các nỗ lực ngoại giao nhằm ổn định tình hình Syria và khu vực Trung Đông, Bắc Kinh đã lập tức ủng hộ lời kêu gọi đó bằng một loạt kế hoạch tái thiết đầy tham vọng. Với Bắc Kinh, đất nước Syria bị tàn phá trong chiến tranh chính là cơ hội lớn cho ngành kinh doanh tái thiết xây dựng. Còn với Damascus, thịnh vượng đồng nghĩa với hòa bình.

Theo ước tính của Liên hiệp quốc, tổn thất do chiến tranh đối với cơ sở hạ tầng của Syria lên tới 250 tỷ USD. Trước thực trạng đó, Trung Quốc đã xây dựng hình ảnh là một đối tác lý tưởng để tái thiết quốc gia này. Quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Syria đang tạo điều kiện cho Bắc Kinh thực hiện mục tiêu của mình. Trung Quốc vẫn duy trì Đại sứ quán ở thủ đô Damascus trong suốt cuộc nội chiến ở Syria. Bắc Kinh luôn giữ quan điểm không can thiệp vào tình hình nội bộ đất nước Syria và ủng hộ quyền tự quyết của nhân dân Syria.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng giống như Nga và Iran, không có những đòi hỏi giống phương Tây về yêu cầu chuyển đổi chính trị tại Damascus. Khi Mỹ và đồng minh vẫn dồn sức cho phe đối lập thì sự phối hợp giữa Nga, Iran và Trung Quốc đã củng cố thêm vị thế của Tổng thống Assad. Nếu Syria đạt được hòa bình và sự ổn định thì Trung Quốc, Nga, Iran sẽ là bên chiến thắng, góp phần đưa kế hoạch cô lập Syria của Mỹ và đồng minh đi đến thất bại.

Về mặt lịch sử, Syria là một nút quan trọng trong Con đường tơ lụa cổ xưa, trải dài từ Trung Quốc ngang qua châu Á tới châu Âu và châu Phi. Ngày nay, vị trí của Syria vẫn nằm trên ngã ba đường chiến lược giữa châu Á, Âu, Phi và đối với Trung Quốc, vị trí này càng trở nên quan trọng hơn khi quốc gia tỷ dân muốn mở rộng sự ảnh hưởng sang khu vực Trung cận Đông.

Nếu không có an ninh và ổn định ở Trung cận Đông, hầu hết các kế hoạch toàn cầu của Trung Quốc nhằm làm sống lại Con đường tơ lụa sẽ đối mặt rủi ro. Bên cạnh đó, khi an ninh và hòa bình Syria không được đảm bảo, quốc gia Trung Đông này có thể trở thành cái nôi sản sinh các tổ chức khủng bố đe dọa toàn khu vực Á - Âu. Không bỏ lỡ cơ hội tại Syria, doanh nghiệp Trung Quốc được cho là đang xếp hàng chờ thầu những hợp đồng tái thiết các thị trấn, làng mạc, đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện, mạng lưới viễn thông bị tàn phá sau chiến tranh.

Quan trọng hơn là sự can dự của Trung Quốc đang nhận được sự đồng thuận của Chính phủ Syria. Tổng thống Assad đã công khai tuyên bố phương Tây và đồng minh ở khu vực Trung Đông sẽ không được trao bất cứ cơ hội nào để thu lợi nhuận từ tương lai của Syria. Tuyên bố này cho thấy ông Assad đang hướng cái nhìn sang phía Đông.

Tin cùng chuyên mục