“Để đạt tới khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, dân chủ, công bằng, lựa chọn duy nhất là cải cách” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi công bố “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” tổ chức hôm 23-2 ở Hà Nội.
Mục tiêu được đề ra trong báo cáo là tới năm 2035, tức sau khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập trung bình cao, với thu nhập bình quân đầu người là 18.000USD tính theo sức mua tương đương với thế giới (giá cả ở Việt Nam thấp hơn nên tương đương với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam cần đạt là khoảng 7.000USD/người/năm). Để đạt được mục tiêu này, quy mô GDP của Việt Nam sẽ phải tăng lên tới gần 1.000 tỷ USD so với mức 200 tỷ USD hiện nay.
Lựa chọn cải cách, trên thực tế đã được chứng minh tính hiệu quả ở Việt Nam qua kết quả của 30 năm đổi mới. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, thông qua đổi mới và cải cách, nước ta đã xây dựng được kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản cho thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại, vai trò của công nghiệp được nâng lên, khu vực thương mại, dịch vụ trở nên quan trọng và luôn tăng trưởng khá. Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, nhiều yếu kém nội tại, nhất là những bất cập về thể chế, quản trị đất nước, đã bộc lộ rõ hơn, làm cho tiến trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững gặp khó khăn. Chính vì vậy, để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng, không có cách nào khác ngoài tiếp tục con đường cải cách.
Trong một bài viết hồi cuối năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ là đại hội đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Đây là vận hội lớn của đất nước ta sau 30 năm đổi mới, là thời điểm để chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn trong tư duy; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước đó, trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nguồn động lực mới để đất nước lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững “phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Câu hỏi đặt ra là cải cách và đổi mới nên theo hướng nào để đạt được hiệu quả cao nhất? Theo “Báo cáo Việt Nam 2035”, khát vọng của người Việt Nam là có một xã hội thịnh vượng, nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân (phải đóng góp tối thiểu 80% GDP)..., một nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Nhà nước không chỉ đảm bảo trật tự công cộng và an ninh quốc gia mà còn đảm bảo thị trường vận hành tự do, giải quyết được các thất bại thị trường. Nhà nước thiết lập các thể chế xã hội đảm bảo được quyền lực thuộc về nhân dân. Báo cáo đề ra lộ trình cải cách cho Việt Nam tập trung vào 4 nội dung, trọng tâm trước mắt là nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân. Cụ thể, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần cải cách theo hướng áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế. Các cơ quan Nhà nước tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quy định kinh tế sẽ không được tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào nhằm tránh xung đột lợi ích. Nhà nước sẽ chuyển đổi vai trò từ thiên về sản xuất kinh doanh sang xây dựng khung khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng.
Theo phân tích của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại Việt Nam vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước còn mờ nhạt. Ở các nền kinh tế thị trường khác, nhà nước và thị trường được coi như hai bàn tay của con người, vô hình và hữu hình, cùng hoạt động và bổ sung cho nhau, tạo thành sức mạnh. Còn ở Việt Nam nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Như vậy, nhà nước không phải là bàn tay hữu hình của nền kinh tế, không song hành và bổ sung cho thị trường, mà đứng trên thị trường, điều khiển thị trường. Khác biệt cơ bản này là nguyên nhân tạo nên hàng loạt khác biệt khác, đồng thời cũng là nguyên nhân cơ bản tạo nên hàng loạt nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam. Các nút thắt đó vừa hạn chế sự hình thành và phát triển các loại thị trường, vừa tạo thêm sự méo mó, sai lệch thị trường, nhất là thị trường yếu tố sản xuất. Quãng thời gian 30 năm đổi mới vừa qua ở Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào giảm và thu hẹp vai trò và chức năng của nhà nước, chưa có đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; chưa thay đổi cơ bản tư duy về kinh tế thị trường, về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, làn sóng tiếp tục đổi mới đã trở nên rất cần thiết. Nội dung tiếp tục đổi mới vừa tiếp tục thu hẹp phạm vi, vừa đổi mới vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước nói chung và từng nhánh của bộ máy nhà nước nói riêng. Tuy khó khăn và đầy thách thức, nhưng đổi mới lần 2 đã trở thành mệnh lệnh, không thể không làm.
BẢO MINH