Đổi mới để hội nhập sâu

Chỉ hơn 2 tuần nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thiết lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình tiến tới một khu vực Đông Nam Á phát triển thịnh vượng. AEC được kỳ vọng trở thành một cú hích mới trong bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn có dấu hiệu tăng trưởng chậm. AEC ra đời nhằm tạo một thị trường chung với hơn 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP hơn 2.000 tỷ USD/năm, hình thành không gian sản xuất thống nhất.

Trong đó, tất cả các tiêu chí đều dựa trên nền tảng phát triển nguồn nhân lực và khoa học kỹ thuật. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào giữa các quốc gia thành viên.

Theo Asia One, AEC mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các quốc gia thành viên ASEAN nhưng thách thức cũng sẽ không nhỏ khi cánh cửa thị trường mở rộng, đặt các doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh lớn. Một trong những thách thức mà ASEAN phải đối mặt là chất lượng và tự do hóa ngành dịch vụ. Tiến sĩ Chua Hak Bin, chuyên gia của Bank of America Merrill Lynch nhấn mạnh, trên thực tế, cần xem xét lại việc nâng cấp chất lượng ngành dịch vụ tại ASEAN sau khi AEC thành lập. Đi cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều năm qua, ngành dịch vụ đã tạo ra nhiều công việc cho người lao động trong khối ASEAN. Theo thống kê mới nhất, trong 3 quý đầu năm 2015, tăng trưởng dịch vụ ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình 2,7% ở lĩnh vực sản xuất của các quốc gia này. Hướng tới tự do hóa thương mại dịch vụ, các nước ASEAN đã tiến hành đàm phán nhiều gói cam kết cho đến năm 2015. Các lĩnh vực dịch vụ được ASEAN ưu tiên tự do hóa gồm: ASEAN điện tử (e-ASEAN), y tế, hậu cần, hàng không và du lịch. Đến nay, các nước ASEAN đã đạt được 8 gói cam kết về dịch vụ, 5 gói cam kết dịch vụ tài chính và 7 gói dịch vụ vận tải đường hàng không. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong quá trình đưa AEC đi vào thực chất.

Đã xuất hiện các ý kiến cho rằng AEC thành lập sẽ thách thức trực tiếp Trung Quốc và Ấn Độ. Với tư cách một tập hợp thống nhất hơn nửa tỷ người, ASEAN sẽ có thể tham gia các sân chơi kinh tế lớn hơn trên toàn cầu. Theo giới chuyên gia, để làm được điều này, ASEAN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách hạ thấp chi phí thương mại. Bên cạnh đó, nhằm tránh việc bị hụt hơi khi vào AEC, ngoài nâng cấp dịch vụ, bãi bỏ các rào cản thương mại, tăng chất lượng lao động, các nước ASEAN cần triển khai những biện pháp như đổi mới thể chế, xây dựng hành lang pháp lý nhất quán, thông thoáng, minh bạch, công khai, tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh và đầu tư, thiết lập lộ trình phát triển, quy hoạch chiến lược cho các mặt hàng, ngành mũi nhọn nhằm tận dụng được hết những lợi thế như vị trí địa lý, nguồn nhân lực. Ông Chua Hak Bin nhận định, ASEAN rất có tiềm năng để đạt được trình độ hội nhập kinh tế như Liên minh châu Âu (EU). Tuy vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua nhưng AEC là một bước khởi đầu thuận lợi để các nước ASEAN tăng cường đoàn kết hơn trong nội khối cả về lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục