PGS Văn Như Cương luôn là người có những phản biện sâu sắc đối với các vấn đề giáo dục, trong đó có nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trao đổi với PV SGGP, ông không mấy lạc quan vào cách mà ngành giáo dục đang chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
- Phóng viên: Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ra đời đến nay đã được 12 năm. Nay ngành giáo dục chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015. Theo PGS, việc làm này có thực sự cấp thiết?
>> PGS VĂN NHƯ CƯƠNG: Chương trình giáo dục hiện nay có quá nhiều hạn chế, thiếu tính toàn diện, nặng về kiến thức văn hóa và khoa học, coi nhẹ về giáo dục nhân cách, kỹ năng sống. Từ đó các thói hư tật xấu trong một bộ phận học sinh như lười học, ham chơi, đàn đúm, nói tục chửi bậy, bạo lực, đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo, gian dối trong các kỳ thi… không được ngăn chặn bằng các biện pháp giáo dục và ngày càng phát triển đến mức báo động. Chương trình hiện nay cũng nặng tính hàn lâm, lý thuyết, nhẹ về thực tiễn, kỹ năng thực hành. Nhiều kiến thức hoàn toàn không cần thiết đối với bậc phổ thông, ví dụ nếu không phải là giáo viên dạy toán thì không cần đến kiến thức về số phức, nhưng kiến thức đó vẫn phải học, phải dạy và luôn có mặt trong đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Có thể nói rằng 1/3 kiến thức môn toán ở THPT là vô bổ đối với học sinh học xong bậc học này.
Đó là chưa kể, việc đánh giá kết quả giáo dục, kiểm định và thi cử quá nặng nề và hình thức, vẫn nằm trong tình trạng học vẹt, học thuộc lòng, học tủ, không độc lập suy nghĩ. Hầu như toàn bộ hoạt động dạy và học của thầy và trò chỉ nhằm mục đích đi thi.
Một hạn chế nữa là thiết kế chương trình hiện nay không thể hiện sự dạy học phân hóa và không phân luồng được học sinh. Kết quả, hầu như mọi học sinh tốt nghiệp THPT đều chỉ có một con đường là thi vào ĐH. Như vậy, mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển đất nước đã không thực hiện được. Sinh viên tốt nghiệp ĐH không có việc làm hoặc việc làm không phù hợp, còn các trường dạy nghề không cho ra trường được nhiều công nhân có tay nghề vững.
Chương trình thì thế, còn SGK hiện nay quá sức đối với đại bộ phận học sinh. Môn toán chỉ học 3 - 4 tiết/tuần là rất ít so với thế giới nhưng SGK lại chứa một lượng kiến thức khá lớn. Tính hàn lâm vẫn được coi trọng, thiếu phần liên hệ thực tế hoặc hoàn toàn xa rời thực tế cuộc sống. Bộ GD-ĐT đã thấy rõ điều đó nhưng không có biện pháp giảm tải SGK một cách dứt khoát và hiệu nghiệm.
Đầu năm học 2011 - 2012, bộ đã ban hành chỉ thị về giảm tải một cách rất rụt rè, vụn vặt và chắp vá, hầu như không ai thực hiện. Đầu năm học 2012 - 2013, vấn đề giảm tải coi như bỏ qua, không thấy nhắc nhở gì đến nữa.
Ngoài ra, chủ trương phân ban có thể nói đã thất bại. Có 8 môn học là toán, lý, hóa, sinh, văn, địa, sử, ngoại ngữ được viết theo 2 chương trình và do đó có 2 bộ SGK khác nhau. Chủ trương ban đầu là phân thành 2 ban khoa học tự nhiên và ban khoa học xã hội - nhân văn, nhưng sau đó thêm ban cơ bản kết hợp với tự chọn. Thực tế hiện nay, 84% học sinh chọn ban cơ bản kết hợp với môn tự chọn nâng cao theo định hướng thi ĐH, chỉ có 2% vào ban khoa học xã hội - nhân văn.
Từ thực tế đó cho thấy, cần cấp thiết phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
- Hiện ngành giáo dục cũng đang gấp rút chuẩn bị để đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. Ông đánh giá thế nào về lần đổi mới này?
Hiện nay với tiến độ chuẩn bị như xã hội được biết thì khó mà đạt được tiến độ như ngành giáo dục muốn là đổi mới sau năm 2015. Nhưng điều quan trọng hơn tôi muốn nhấn mạnh là cần thấy rằng, chương trình và SGK rất quan trọng nhưng không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công cuộc đổi mới này, mà phải đặt sau những vấn đề khác quan trọng hơn, đặc biệt là phải đặt sau vấn đề cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông.
Trước tiên cần xác định cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông là bao nhiêu năm, 9 năm, 10, 11 hay 12 năm. Bậc THPT được phân ngành như thế nào, có nên phân thành 2 ngành là ngành THPT truyền thống và ngành THPT có dạy nghề, vì nếu như thế thì chương trình và SGK của mỗi ngành phải khác nhau. Trong khi đó, hiện nay cơ cấu giáo dục phổ thông là bao nhiêu năm vẫn đang còn “cãi” nhau. Muốn xây dựng chương trình, viết SGK phải xác định được cơ cấu là bao nhiêu năm, có phân ban ở hệ THPT hay không... Tôi nhận thấy, tất cả những vấn đề cơ bản cho lần đổi mới này như mục tiêu, triết lý, cơ cấu… giáo dục phổ thông đều chưa có thì chưa thể làm chương trình, SGK.
- Ông kiến nghị gì cho lần đổi mới này?
Riêng về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, để có một chương trình phù hợp cần thành lập một hội đồng chương trình chung và dưới đó là hội đồng các bộ môn. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, các hội đồng bộ môn chỉ lo cho bộ môn của mình mà không thấy rằng học sinh phải học cả 12 môn học khác nhau. Vấn đề một chương trình và nhiều bộ SGK cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, vì về nguyên tắc thì đúng nhưng thực hiện không hề đơn giản. Ngoài ra, vấn đề giáo dục tích hợp không phải mới nhưng nhiều nước trên thế giới khi thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nên khi xem xét áp dụng ở Việt Nam cần tính mức độ nào cho vừa phải. Mặt khác, vấn đề dịch vụ giáo dục chất lượng cao cũng cần tránh những biến tướng phức tạp như đã xảy ra ở Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khi tổ chức một số lớp học VIP mà thực chất là một số lớp học tư trong trường công.
Một điều lo ngại khác, đó là hiện nay, sau cuộc hội thảo quốc tế “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông: kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam” do Bộ GD-ĐT và Bộ Giáo dục - trẻ em Đan Mạch tổ chức, dư luận đang có cảm giác tư tưởng của đề án chương trình, SGK mà bộ đang xây dựng đã được xác định theo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài với hàng loạt những quan điểm mới. Điều này khiến nhiều người hoang mang và lo lắng khi một mớ lý thuyết “đao to búa lớn” ấy sẽ được du nhập vào Việt Nam bất kể tình hình thực tế của giáo dục nước nhà như thế nào. Vì vậy, xã hội đòi hỏi Bộ GD-ĐT cần hết sức thận trọng trong việc học tập kinh nghiệm nước ngoài khi thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông lần này.
| |
Phan Thảo
Học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng, quận 5 TPHCM trong giờ ôn thi môn Toán. Ảnh: Mai Hải