Con số “khủng” về người nghiện ma túy
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trên địa bàn TPHCM ghi nhận có 23.500 người nghiện ma túy. Ông đánh giá thế nào về con số này so với tình hình thực tế người nghiện ma túy?
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Con số này mới chỉ là một phần chúng ta ghi nhận được, có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ sót, lọt không được ghi nhận đang rất cao. Ước lượng, số người nghiện ma túy thực tế trên địa bàn TPHCM dao động khoảng 70.000 - 80.000 người, một con số đáng báo động.
Vì sao có sự khác biệt quá lớn giữa số liệu ghi nhận được về người nghiện ma túy và tình hình thực tế, thưa ông?
Do khó phát hiện. Ma túy tổng hợp dễ sử dụng nên các loại đối tượng thường đưa vào sử dụng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm như khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường… Không ai “đập đá” giữa đường cho người khác nhìn thấy.
Khi bị phát hiện, cũng rất khó xác định tình trạng nghiện ma túy tổng hợp. Hội chứng cai đối với người sử dụng heroin rất rõ ràng, như vật vã, khó chịu nên rất dễ nhận biết tình trạng nghiện và kiểm tra (test) cũng nhanh. Song, mọi việc hoàn toàn khác với người sử dụng ma túy tổng hợp. Hội chứng cai không rõ ràng, nhiều người chỉ buồn buồn, mơ màng, thèm ngủ, nên bản thân người nghiện không biết là mình đã lệ thuộc vào “đá”. Người thân nhìn vào hay lầm tưởng con em mình buồn rầu chuyện gì đó, không kịp thời nhận biết con em mình đã nghiện. Vì thế, đến khi nhận ra đã nghiện ma túy tổng hợp thì não bộ đã bị tổn thương nặng rồi, có biểu hiện tâm thần, ảo thính, ảo thị, ảo giác.
Theo quy định, để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy thì phải xác định tình trạng nghiện của người nghiện. Nhưng hiện nay, có nhiều loại ma túy người nghiện đang sử dụng nhưng không thể xác định được tình trạng nghiện. Đồng thời, muốn xác định được tình trạng nghiện, đòi hỏi phải giữ người nghiện không cho họ sử dụng ma túy trong thời gian từ 48 - 72 giờ. Song, quy định về tạm giữ hành chính chỉ được phép tối đa không quá 12 giờ. Hiện nay không có quy định nào, cơ quan nào có thẩm quyền tạm giữ người nghiện 72 giờ để xác định tình trạng nghiện.
Ngoài ra, việc cập nhật vào danh mục các chất ma túy luôn chậm, không theo kịp sự xuất hiện của các loại ma túy tổng hợp mới. Còn nhiều loại ma túy tổng hợp xuất hiện nhưng chưa được định danh, chưa có trong danh mục quản lý, nhưng thực tế đã có người nghiện loại ma túy mới rồi.
Đề xuất xử lý hình sự người tái nghiện nhiều lần
Trong xu thế chung, TPHCM phải đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, giảm cai nghiện tập trung - chỉ còn duy trì ở mức khoảng 6% trong tổng số người nghiện ma túy. Trên thực tế, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng lại chưa đạt hiệu quả. Còn điều trị nghiện thay thế bằng Methadone đang bất lực với ma túy “đá”. Phải chăng các hình thức cai nghiện đang… quá đuối so với tốc độ gia tăng người nghiện ma túy?
Đúng là đang có thách thức rất lớn với công tác cai nghiện ma túy. TPHCM sẽ áp dụng nhiều hình thức, đa dạng hóa nhiều cách để tiếp cận, giáo dục, chữa bệnh cho người nghiện ma túy. Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, tiếp tục đưa vào cơ sở xã hội để tòa án xem xét, quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Người có nơi cư trú ổn định, thì giáo dục tại phường xã thị trấn; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Methadone đang “lỗi thời” và “bất lực” với ma túy “đá”, nhưng hiệu quả với một bộ phận những người nghiện heroin nên vẫn duy trì để phục vụ những người này.
Từ gần 20 năm trước, TPHCM đã từng tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng và kết quả gần 100% tái nghiện. Hơn nữa, giờ đây, 2/3 người nghiện ma túy phát hiện ở TPHCM là người không có nơi cư trú ổn định, không có gia đình ở TPHCM và đa số sử dụng “đá”. Vậy đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thì… ai sẽ cai nghiện cho họ?
Trong tình thế hiện nay, cần tổ chức cai nghiện thật tốt, đổi mới việc cai nghiện ma túy, đặc biệt là hình thức cai nghiện ở gia đình, cộng đồng. Mỗi ấp, mỗi khu phố cần thành lập 2 - 3 điểm tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy ở ngay từ khu phố. Các ban, ngành, đoàn thể, các tình nguyện viên cùng phối hợp chặt với gia đình và bản thân người nghiện ma túy để hỗ trợ và khơi gợi ý chí vươn lên của người lầm lỡ. Nếu tái nghiện, thì đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đối với trường hợp tòa án đã có quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc, đi cai nghiện nhiều lần và vẫn tái nghiện, tôi đề nghị cần xử lý hình sự các đối tượng này. Nhiều nước trên thế giới đã xử lý hình sự nhóm đối tượng này, quy mô thường chiếm khoảng 10% tổng số người nghiện ma túy. Tôi đề nghị chúng ta cũng cần làm tương tự. Không phải đợi người nghiện ma túy đi gây án, đi giết người thì mới bị bắt nhốt, mà với ai đã cai nghiện 3 lần bắt buộc, vẫn tái nghiện, thì cần xử lý hình sự để răn đe.
Theo ông, những lỗ hổng nào cần sớm được khắc phục?
Trước hết, bản thân mỗi người nghiện ma túy cần sự thức tỉnh, vượt qua sự lệ thuộc vào ma túy. Mỗi gia đình cần quan tâm, chăm sóc con em chu đáo hơn để các em không lạc lối. TPHCM cũng đang chuyển hướng, dự kiến năm 2020 thí điểm áp dụng tòa án về ma túy (mô hình này đang áp dụng ở hơn 40 nước).
Nhiều kẽ hở, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật cần được sớm sửa đổi. Cần thống nhất việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã phường thị trấn mà vẫn còn nghiện, hoặc không có nơi cư trú nhất định, thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.
Người nghiện ma túy tổng hợp sau khi “đập đá” thường rất kích động, có thể tự hủy hoại bản thân hoặc làm hại người khác. Vì thế, cần thiết sửa đổi Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy theo hướng không bắt buộc phải áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho người nghiện ma túy tổng hợp. Bộ Y tế và đơn vị liên quan cũng cần sớm nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn chẩn đoán và điều trị các chất ma túy tổng hợp.
Bác sĩ HÁN THỊ HỒNG TUYẾN - Trưởng Phòng Y tế Cơ sở xã hội Nhị Xuân: Giáo dục, tuyên truyền tới thanh thiếu niên Để hạn chế tình trạng giới trẻ sa vào con đường nghiện ngập ma túy, cần tăng cường công tác giáo dục về hiểm họa ma túy tới thanh thiếu niên, tới cả những em ở lứa tuổi nhỏ, thì mới có hiệu quả hơn. Kiến thức là “liều vaccine” hữu hiệu giúp các bạn trẻ tự chủ, phòng tránh, nói “không” trước cám dỗ, trong đó có ma túy. Bởi, khi lớn lên một chút, các em nhiều khi sẽ bị cuốn theo những thứ khác, thậm chí có thể sa vào ăn chơi hưởng thụ, ít dành thời gian chú tâm tìm hiểu về tác hại của ma túy. Thực tế, nhiều học viên tới cơ sở cai nghiện ma túy vẫn không biết tác hại của ma túy, nhất là tác hại của ma túy tổng hợp, là gì? Chúng tôi hỏi ở nhà không xem tin tức thời sự, không nghe tác hại về ma túy sao? Các em trả lời là thường chỉ coi phim và chơi game, không nghe gì về tác hại của ma túy. Nếu được tuyên truyền sâu, hiểu biết kỹ về tác hại của ma túy, các bạn trẻ sẽ có thêm nội lực để tự phòng ngừa mình trước các cạm bẫy, gài bẫy về ma túy. Thượng tá VÕ VĂN TRAI - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) Công an TPHCM: Cần xử lý chủ quán bar, vũ trường để xảy ra việc sử dụng ma túy Với trách nhiệm của mình, PC04 Công an TPHCM sẽ tiếp tục tập trung cắt “cung” ma túy, triệt phá, bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy. Tình hình hiện nay, thành phố cũng cần tính toán, xem lại các giải pháp, mô hình cai nghiện ma túy, nghiên cứu thêm về các mô hình cai nghiện sao cho hiệu quả. Bởi vì, bây giờ đa số người nghiện rất trẻ, 18 - 30 tuổi, không sử dụng ma túy tại gia đình, ít sử dụng ma túy nơi công cộng, mà sử dụng kín đáo ở bar, nhà hàng, khách sạn. Việc phát hiện được các em chơi ma túy trong những nơi như thế, đa số do công an kiểm tra. Vậy trước đó, trước khi bị phát hiện quả tang đang “đập đá”, ai là người tiếp cận, hỗ trợ các em này? Các địa phương cần đánh giá lại thật sự kết quả cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Trách nhiệm của chúng tôi sẽ phối hợp để kiểm tra mạnh các quán bar, vũ trường nhằm ngăn chặn việc tụ tập sử dụng ma túy; đồng thời, tôi mong muốn thành phố có hướng xử lý chủ cơ sở quán bar, vũ trường để xảy ra việc sử dụng ma túy ở cơ sở của mình. MAI HOA - MẠNH HÒA (ghi) |