Riêng ở Sydney, ở những vùng sâu trong nội địa của tiểu bang, nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống, nhiệt độ lên đến hơn 40°C, thậm chí có nơi lên tới gần 50°C, trong khi những vùng ở gần biển, là nơi mà người giàu thường chọn là nơi sinh sống, nhiệt độ chỉ khoảng 30°C. Chúng tôi thường đùa vui với nhau “tiền bạc không mua được hạnh phúc nhưng ít ra cũng mua được sự mát mẻ”.
Đọc tin tức trên báo chí thì biết trong số các thành phố ở bang Nam Australia, thành phố Tarcoola là nơi có nhiệt độ cao nhất, lên tới 49°C. Tiếp đến là thành phố cảng Augusta với nhiệt độ lên tới 48,9°C, cao hơn gần 1°C so với kỷ lục được xác nhận vào ngày 7-2-2009 (ngày xảy ra vụ cháy kinh hoàng được biết đến với tên gọi “ngày thứ bảy đen tối” tại bang Victorian khiến 173 người thiệt mạng và trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại Australia…).
Đợt nóng bất thường và kéo dài này cũng khiến cho chính quyền tiểu bang lo ngại về nhiều thứ, nhất là tình hình sức khỏe của người dân, nhất là người già và người đang bị ốm đau bệnh tật. Cơ quan y tế của chính quyền tiểu bang đã không ngừng đưa ra những lời nhắn nhủ đến mọi người dân qua các mạng xã hội và tivi, radio... để nhắc nhở người dân tránh đi ra ngoài nếu không cần thiết, phải uống nước nhiều, phải bôi kem chống nắng... và phải liên lạc ngay với bác sĩ gia đình nếu cảm thấy không khỏe.
Thông thường, đối với những người già yếu và đang sống một mình, vào mỗi buổi sáng sẽ có nhân viên cộng đồng gọi điện thoại đến nhà để hỏi thăm sức khỏe các cụ, xem các cụ có ổn không. Nhưng trong khoảng thời gian nắng nóng gay gắt thế này, chính quyền sẽ tăng lên 2 lần gọi đến nhà các cụ trong 1 ngày, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều. Các phòng cấp cứu của các bệnh viện luôn sẵn sàng đón nhận các bệnh nhân cấp cứu do nắng nóng bất thường. Trên các nẻo đường ở trung tâm thành phố sẽ có những nhóm người tình nguyện đi phát nước miễn phí cho những ai đang đi trên đường và đang cần nước uống.
Nóng nhiều nên nguy cơ về hỏa hoạn rất cao, đặc biệt là cháy rừng nên chính quyền tiểu bang đã ra thông báo nghiêm cấm tất cả mọi vụ đốt lửa ở ngoài trời trong các cuộc tụ tập, vui chơi có sử dụng lò nướng cho đến cuối tuần. Đợt nóng kéo dài này lại trùng hợp vào kỳ nghỉ hè của các trường học và một số hãng xưởng vẫn chưa mở cửa hoạt động sau kỳ nghỉ tết và Noel nên các bãi biển ở Sydney đông nghẹt người. Giới chức bang New South Wales cũng phải lắp đặt máy bơm khí oxy trên một vài đoạn sông để hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt, sau khi khoảng 1 triệu con cá chết do thời tiết nắng nóng và thiếu oxy.
Thực ra, chuyện nắng nóng không phải là điều hiếm gặp tại Australia khi bước vào mùa hè. Tuy nhiên, không chỉ với Australia, biến đổi khí hậu sẽ còn làm tăng nhiệt độ trên mặt đất lẫn dưới biển, từ đó dẫn đến nhiều ngày nắng nóng khắc nghiệt và những vụ cháy rừng nghiêm trọng hơn ở khắp các nơi trên thế giới.