Đổi “thu phí BOT” thành “thu giá BOT”, Bộ trưởng Bộ GT-VT nói gì?

"Có thể nói vấn đề BOT chưa lúc nào "nóng" như năm 2017. Tuy nhiên, rõ ràng đây là "sản phẩm" của giai đoạn trước", ông Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể

Phát biểu trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 22-5, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nói: Thời gian qua vấn đề trạm thu giá (phí) BOT hết sức "nóng", nếu giải quyết không ổn thỏa sẽ dẫn đến dư luận trong và ngoài nước không tốt, ảnh hưởng đến đầu tư.  

"Có thể nói vấn đề BOT chưa lúc nào nóng như năm 2017. Tuy nhiên, rõ ràng đây là "sản phẩm" của giai đoạn trước", ông Thể nói.

“Với những giải pháp Chính phủ chỉ đạo và Bộ GT-VT đang làm, chúng tôi có niềm tin vấn đề liên quan BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn thỏa", Bộ trưởng khẳng định.

Chiều 22-5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết, hiện nay đang thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, không làm BOT trên đường cũ nữa. Sắp tới, theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GT-VT chỉ làm BOT trên các tuyến đường song hành, làm đường cao tốc. Sẽ thực hiện thu phí kín, thu phí tự động… hạn chế tất cả những bất cập đang đặt ra hiện nay.

“Các dự án đang khai thác hiện nay, về trách nhiệm, Bộ GT-VT tải tiếp tục thực hiện xem xét, làm tốt để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Để phí, giá như trước đây rất là cao. Trước chỉ xem xét từng trạm một, nhưng sắp tới chúng ta sẽ xem xét cả một khu vực để làm sao có sự điều chỉnh hợp lý nhất cho cả một khu vực, nhất là việc lưu thông hàng hóa …”, Bộ trưởng Bộ GT-VT khẳng định.

Vẫn theo Bộ trưởng, sắp tới, khi đưa vào thu phí tự động (thu giá tự động), mỗi trạm thu sẽ có một trung tâm công nghệ, qua đó người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ trực tiếp giám sát được nguồn thu của trạm thu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Ngoài ra, dữ liệu từ trạm thu cũng được chuyển về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để cơ quan này kiểm soát việc thu giá.

Bộ trưởng cho biết, việc thu phí tự động giúp tình hình thu - chi được đảm bảo công khai, minh bạch, không còn tình trạng kiểm tra cùi vé, xé vé... Phấn đấu cuối năm nay vận hành các đường cao tốc, các quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1 và đường Hồ chí Minh qua Tây Nguyên thực hiện thu phí tự động. Sang năm 2019, thực hiện thu phí tự động trên toàn bộ các tuyến quốc lộ khác. Đây là trách nhiệm công khai minh bạch, giúp nhiều người cùng giám sát được hoạt động thu phí, tạo điều kiện cho dòng xe đi qua các trạm thu phí được thông suốt, nhanh chóng.

Trả lời câu hỏi trước đây các trạm BOT thu phí để hoàn vốn dự án nhưng từ 1-1-2017 sao lại xuất hiện thuật ngữ "thu giá BOT",  Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết "đó là quy định của Chính phủ".

“Hiện nay theo quy định mới, "thu phí" chuyển sang "thu giá". Trước kia, việc điều chỉnh vấn đề "thu phí" qua các thông tư của Bộ Tài chính, nhưng nay đã chuyển sang Bộ GT-VT quản lý, điều tiết để làm sao đảm bảo sự hài hòa. Chúng ta phải xem BOT là một "sản phẩm của doanh nghiệp", mà doanh nghiệp thì ấn định giá. Còn phí thì mang tính chất nhà nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Cụ thể, theo luật, nếu "thu phí" thì mức thu phí sẽ do HĐND, Quốc hội quyết định; còn "giá" là dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp. Đây là "sản phẩm của doanh nghiệp" thì chúng ta điều chỉnh cho hợp lý.

“Chuyển qua "giá", chúng ta mới giảm được giá sao cho cân đối được phương án tài chính. Chứ nếu coi đó là "phí" thì phải thông qua các bộ… Đây là cơ chế của Chính phủ thôi. So ra không khác gì cả, chỉ là linh động hơn rất nhiều”, Bộ trưởng Thể khẳng định.

Tin cùng chuyên mục