Văn hóa văn nghệ (VHVN) là mục tiêu, đồng thời là động lực phát triển và còn có khả năng vô tận cải tạo môi trường sống, cách tân xã hội, xây đắp mối quan hệ xã hội hài hòa và sáng tạo.
TPHCM thuộc loại đô thị đặc biệt của nước ta, là hạt nhân phát triển đa dạng, là trung tâm động lực của cả vùng, có sức lan tỏa cả nước. Suốt thập niên qua, với sự phấn đấu không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và hệ thống kinh tế, thành phố liên tục đạt mức tăng trưởng cao, quy mô không ngừng được mở rộng, tập hợp và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, vươn lên mạnh mẽ trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi cấp thiết của tình hình mới và nhu cầu to lớn của đời sống đương đại, thành phố cũng bộc lộ những hạn chế chậm được khắc phục kịp thời: tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng vốn có.
Các vấn đề xã hội chưa thực sự làm chúng ta yên lòng. Đặc biệt, trong lĩnh vực đặc thù chăm sóc con người và xã hội, “món nợ” cần phải trả như đang ngày một lớn hơn lên: VHVN chưa được đặt đúng vào vị trí xung yếu một cách khách quan như quy luật vốn có.
Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ quan trọng là: “Phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của TPHCM… Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; từng bước giảm dần sự cách biệt về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.
Sử dụng VHVN như một đòn bẩy đa năng thông minh để xây đắp con người - chủ thể của mọi hoạt động đời sống, nhằm trực tiếp tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội luôn là giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững. Trong tình hình hiện nay, cần tập trung thực hiện đồng bộ, phát triển, nâng cao chất lượng vận hành cũng như hiệu quả quản lý đối với các mặt hoạt động của VHVN theo hướng văn minh, hiện đại; đưa hoạt động sáng tác, biểu diễn, báo chí, xuất bản, truyền thông - kể cả ở khu vực mạng, đi vào kế hoạch - quy hoạch chính quy; phát huy bản sắc dân tộc, bản sắc quốc gia cùng các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng, độc đáo của địa phương. Cần đạt tới chiều sâu chất lượng của nếp sống văn hóa, văn minh đô thị hiện đại, từ đó nâng cao tần suất hưởng thụ VHVN cho mọi tầng lớp nhân dân.
Trong tình hình mới, để thực hiện và duy trì được yêu cầu trên, trước hết, cần tăng cường hiệu quả lãnh đạo, quản lý của các tổ chức Đảng, chính quyền cũng như chuyên ngành. Nhận thức đúng đắn và thấu triệt vai trò của VHVN trong đời sống con người cùng xã hội là tiền đề thành công trong lĩnh vực hoạt động mang tính đặc thù này. Việc kết nối thành chuỗi liên hoàn, thông suốt các khâu sáng tác - biểu diễn - sản xuất - quảng bá - phổ biến các sản phẩm, tác phẩm VHVN là đòi hỏi khách quan, hệ trọng trong thời đại ngày nay. Ngoài ra, đương nhiên, không thể không xử lý đúng mức các yếu tố liên quan trực tiếp khác như chế độ, chính sách, đội ngũ và kinh phí cần thiết dành cho hoạt động này.
Chủ trương cho phép thành phố thực hiện thí điểm đối với các vấn đề mới phát sinh của Bộ Chính trị, mở đường cho những cải tiến, thể nghiệm mới; hứa hẹn đem lại hiệu quả và chất lượng mới cho hoạt động VHVN, biến VHVN trở thành đòn bẩy, góp phần phát triển mạnh mẽ, toàn diện thành phố thân yêu của chúng ta.
Trần Luân Kim