Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ nhất

Đơn điệu và thiếu sinh khí!

Hết trò khéo với chim câu, thỏ, vịt lại đến trò cắt người
Đơn điệu và thiếu sinh khí!

Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ nhất, cuộc hội tụ đầu tiên của các ảo thuật gia cả nước đang diễn ra tại Hà Nội, đã thu hút 50 nghệ sĩ của 20 đoàn nghệ thuật. Bên cạnh thành công về mặt số lượng, thì chất lượng, tính ly kỳ, hấp dẫn vốn có của ảo thuật vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Hết trò khéo với chim câu, thỏ, vịt lại đến trò cắt người

Liên hoan không chỉ là cơ hội gặp gỡ mà còn giúp anh em trong nghề được biểu diễn, thi thố tài năng để cùng trao đổi về học thuật. Các ảo thuật gia Việt Nam có tay nghề khá, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu xu hướng, kỹ năng ảo thuật thế giới và nhiều tiết mục đã đạt được đẳng cấp điêu luyện.

Đơn điệu và thiếu sinh khí! ảnh 1

Biểu diễn với chim bồ câu - một tiết mục trong liên hoan.

Sau nhiều ngày chờ đợi hăm hở để xem các trò ảo thuật biến hóa của các thầy phủ thủy Việt, tối khai mạc (ngày 13-5), khán đài tại sân khấu rạp xiếc Trung ương kín chỗ. Song qua 3 phần biểu diễn của các ảo thuật gia, nhiều khán giả trong rạp đã bắt đầu thở dài, tiếng vỗ tay thưa dần. Sở dĩ như vậy vì khán giả cứ liên tục phải xem đi xem lại các phần biểu diễn đã quá cũ với kết cấu mở đầu bằng trò khéo với chim câu, thỏ, vịt… kết thúc bằng màn phân thân, cắt người thành 3 khúc… Có khác chăng ở đây là ở người diễn, trang phục, âm nhạc… còn nội dung giống hệt nhau.

20 tiết mục tham gia dự thi trong suốt 5 ngày thì có tới 12/20 là phần biểu diễn trò khéo và 7/20 tiết mục có nội dung cưa người, phân thân, cắt đầu. Điều này đồng nghĩa với việc khán giả đến rạp chỉ để liên tục xem đi xem lại hai nội dung tiết mục là trò “khéo” và “cắt người”.

Trao đổi về việc có sự xuất hiện quá nhiều lần của một số tiết mục trong liên hoan, NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc VN buồn bã thừa nhận: Đây cũng là cái khó chung của nền ảo thuật Việt Nam. Phần lớn các nghệ sĩ ảo thuật đều tự học hỏi, tự bỏ kinh phí xây dựng tiết mục, do đó, tính manh mún, sự trùng lặp là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, liên hoan ảo thuật mang tính xã hội hóa hoàn toàn, không nhận được nguồn tài trợ từ ngân sách nên dù rất tâm huyết, muốn được thể hiện các ngón nghề điêu luyện song ít nghệ sĩ có đủ kinh phí để dàn dựng. Ngoài bộ phận nghệ sĩ thuộc các đơn vị chuyên nghiệp: Liên đoàn Xiếc VN, Đoàn nghệ thuật Biên phòng... còn có một bộ phận khá đông hoạt động độc lập như: Nhóm Toni Quang, Vũ An, Jaky Bảo Sĩ, Trần Định, Trần Dũng, David Hùng...

Ước mơ của các ảo thuật gia

Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho biết, so với bộ môn xiếc thì các nghệ sĩ làm ảo thuật ở nước ta còn nhiều thiệt thòi, cả về kinh phí biểu diễn, trang thiết bị phục vụ diễn, sân khấu diễn cho đến danh hiệu của các nghệ sĩ… Nhiều nghệ sĩ tâm sự, mặc dù trước bàn dân thiên hạ, nghệ sĩ có thể biến không thành có, biến khăn, biến hoa thành chim, gà, ngỗng, thỏ… song trong mâm cơm hàng ngày chỉ thấy toàn rau xanh. Muốn có tiết mục mới, hấp dẫn phải đầu tư rất lớn, trong khi đó, các nghệ sĩ ảo thuật phần nhiều đều hoạt động đơn lẻ, ít có khoản thu nhập cố định. Nhiều khi sản phẩm đem tới giới thiệu với khán giả không đạt được chất lượng, song vì mưu sinh vẫn phải “mũ ni che tai”.

Cùng chia sẻ khó khăn với các nghệ sĩ, Hiệu trưởng Trường Xiếc Hoàng Minh Khánh khẳng định: Từ trước đến nay các diễn viên ảo thuật chủ yếu là tự học hoặc có năng khiếu và đam mê từ nhỏ, cho đến nay nước ta chưa có khoa chuyên đào tạo bộ môn này. Vì thế thiếu tính chuyên nghiệp trong diễn xuất ảo thuật.

NSND Tâm Chính tỏ lòng mong muốn, sau liên hoan các cơ quan chức năng sẽ đánh giá lại vị trí của giới ảo thuật trong nước, từ đó sẽ đưa ra các chiến lược phát triển lâu dài, mang tính chuyên nghiệp hơn.

Tối 17-5, Liên hoan ảo thuật lần thứ nhất kết thúc. Biết rằng có nhiều điều chưa được như mong đợi song có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa, việc hơn 50 ảo thuật gia từ nhiều vùng, miền của đất nước tề tựu về tham dự liên hoan đầu tiên lần này đã là một tín hiệu đánh dấu một bước chuyển mình mới của ảo thuật. Song cũng giống như bộ môn nghệ thuật xiếc, vẫn đang lâm vào tình cảnh “bữa cơm toàn tương - cà”, các nghệ sĩ ảo thuật cũng mơ ước đóng góp tâm huyết, tài năng để vực dậy môn ảo thuật đang gặp nhiều khó khăn.

Mai An

Tin cùng chuyên mục