“Đơn hàng” tháng 6

Kinh tế TPHCM trong quý 2-2023 có những dấu hiệu khởi sắc, thể hiện qua các dự báo thống kê ở khu vực công nghiệp, xây dựng (dự kiến tăng 4,77%), khu vực dịch vụ (dự kiến tăng 7,16%).

So với quý 1 chỉ đạt 0,7% thì ước tăng trưởng quý 2 đạt 5,87%, dù vẫn ở mức trung bình thấp so với các thành phố lớn nhưng đã cho thấy phản ứng tích cực trước các độ trễ của chính sách vĩ mô. Điều này vốn được dự báo từ trước, khó khăn sẽ kéo từ quý 1 sang quý 2 và phải sang quý 3 mới “vượt khó” tăng tốc.

Do đó, ngay cả khi nắm bắt các dấu hiệu khởi sắc, TPHCM không khinh suất mà tiếp tục chủ động xây dựng các “kịch bản” trong tháng 6 để ứng phó trước các diễn biến toàn cầu, khu vực ngày một phức tạp.

Điển hình là cách thành phố triển khai bước khởi động dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Chỉ sau 10 ngày công bố hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, TP Thủ Đức và các huyện có dự án đi qua đã tiến hành chi trả bồi thường cho người dân. Với mức giá tiệm cận giá thị trường, thủ tục nhanh, gọn, minh bạch nên tỷ lệ bàn giao khá cao, đi cùng là sự đồng thuận của người dân.

Quan trọng là, dự án đường Vành đai 3 TPHCM còn “mở đường” về chủ trương đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương mà Trung ương đã trao quyền cho thành phố.

Và nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp đang diễn ra, sẽ kế thừa ưu thế này trong việc bố trí vốn sớm cho các dự án đầu tư công. Như vậy, sẽ vừa tiếp tục khơi thông cho các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, đô thị của thành phố; vừa đảm bảo tiến độ và đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2023 của thành phố.

Vấn đề hiện nay là sự chủ động ở các địa phương còn chậm, do đó cần có biện pháp để đẩy mạnh trong tháng cuối quý 2 này. Điều kiện tiên quyết là tiếp tục rà soát và phân cấp, ủy quyền cho cơ sở ở các khâu của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Từ đó gắn việc phân cấp, ủy quyền với thang đánh giá năng lực, trách nhiệm của cán bộ. Nếu làm tốt, đây sẽ là bước chuẩn bị nguồn lực để các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động đón đầu nghị quyết mới nhằm triển khai ngay khi có hiệu lực.

Đặc biệt, khi Chủ tịch UBND TPHCM đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, nhà đầu tư, thì ở cấp độ quận, huyện và TP Thủ Đức cũng cần được phân cấp, ủy quyền lập các nhóm công tác để chủ động xử lý trước những bước của dự án trong thẩm quyền; tập trung vào các dự án, công trình quy mô nhỏ nhưng có số lượng lớn để thúc đẩy nhanh việc giao dịch, cấp phép xây dựng, nộp tiền sử dụng đất... tạo thêm “dòng tiền” cho kinh tế thành phố. Trong trường hợp chưa thể triển khai đồng loạt thì có thể chọn trước một số địa phương thí điểm.

Tháng 6 còn là “mùa vụ” của du lịch hè và các hoạt động của các ngành công thương, văn hóa, thể thao, cho cả hai “phiên bản” kinh tế ngày và đêm. Cũng cần xem đây như một bước tái khởi động cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư ở lĩnh vực văn hóa - thể thao, một khi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được Quốc hội thông qua và cho phép thực hiện.

Tin cùng chuyên mục