Kỷ niệm 10 năm thành lập quận Bình tân (2003-2013)
Sau 10 năm thành lập, quận Bình Tân đã có mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc, liên lục 6 năm (2008 - 2013) thu ngân sách đạt trên 1.000 tỷ đồng. Riêng năm 2013, mặc dù kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng ước thu ngân sách đạt 1.552,416 tỷ đồng, tăng 339,05% so với năm đầu thành lập quận. Nhân dịp quận Bình Tân kỷ niệm 10 năm thành lập, trao đổi với PV Báo SGGP, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết:
Quận Bình Tân được thành lập theo Nghị định số 130/2003/NĐ-CP ngày 5-11-2003 của Chính phủ, trên cơ sở từ 3 xã (Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo) và 1 thị trấn của huyện Bình Chánh (cũ) với dân số vào thời điểm đó là 312.000 người. Hiện Bình Tân có 10 phường, dân số trên 640.000 người, trong đó phường Bình Hưng Hòa A có dân số 120.000 người. Là quận có vị trí tiếp giáp cửa ngõ phía Tây TPHCM, với nguồn nhân lực đa dạng thích ứng cho sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề phát triển tại địa phương và một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế quận tiếp tục phát triển; còn gần 2.000ha đất nông nghiệp cho quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, những thách thức về môi trường, ngập nước; dân số cơ học tăng nhanh; các vấn đề xã hội đặt ra khá gay gắt; cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, y tế thiếu và xuống cấp; bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực còn nhiều bất cập; vốn đầu tư thiếu so với yêu cầu phát triển của quận.
10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Bình Tân với tinh thần đoàn kết, sáng tạo đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế quận hàng năm tăng trưởng ở mức cao; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư nhiều nguồn, vốn đầu tư năm sau cao hơn năm trước; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; môi trường sống, môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn; an ninh trật tự - an toàn xã hội được đảm bảo; niềm tin của dân vào Đảng bộ, chính quyền địa phương ngày càng được củng cố vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho sự phát triển khá toàn diện quận. Các chương trình, công trình kinh tế - xã hội mang tính đòn bẩy được đầu tư, thực hiện, nhất là việc chỉnh trang đưa vào sử dụng 2.140 tuyến hẻm, góp phần giải quyết môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh, mua bán, đi lại và nâng cao đời sống, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.
- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết khái quát tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian qua?
|
>> Đồng chí NGUYỄN THỊ NGỌC LAN: Kinh tế quận Bình Tân liên tục 10 năm tăng trưởng ở mức cao và ổn định: Tốc độ tăng bình quân là 30,3%/năm, giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2009 tăng bình quân 32,93%/năm, từ 2010 đến nay do bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và sự suy thoái kinh tế của đất nước nên có giảm sút nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt trên 28%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Đến năm 2013, có trên 34.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ kinh doanh cá thể, tăng 216,89% so với ngày đầu thành lập quận. Các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn là may mặc, chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm từ kim loại, cao su, plastic và sản xuất da giày chiếm 52,5%. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển nhanh hơn ngành công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao hơn, cụ thể: Về thương mại - dịch vụ, tổng doanh thu 10 năm đạt 50.876 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 39,35%/năm. Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tổng giá trị sản phẩm đạt 50.876 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 27,15%/năm. Các ngành công nghiệp phát triển theo hướng tạo ra sản phẩm có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao, không ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường. Quận đã cơ bản hoàn thành di dời theo kế hoạch đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Riêng về nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường liền kề, đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng phục vụ đô thị xanh, sạch, đẹp, cải thiện môi trường sinh thái như: trồng hoa lan, cây cảnh, nuôi cá kiểng...
Đến năm 2008, quận Bình Tân gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng của TP và liên lục 6 năm (2008 - 2013) thu đạt trên 1.000 tỷ đồng. Riêng năm 2013, mặc dù kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng ước thu ngân sách của quận Bình Tân đạt 1.552,416 tỷ đồng, tăng 339,05% so với năm đầu thành lập quận. Tổng thu ngân sách địa phương 10 năm là 4.693 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 1,43%, năm 2004 thu 203,665 tỷ đồng, đến năm 2013 ước thu ngân sách 732,886 tỷ đồng, tăng 259,84%.
Đầu tư xã hội từ năm 2003 đến năm 2013 đạt 99.215,94 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư); tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm đều tăng cao, cụ thể: năm 2004 là 6.164,8 tỷ đồng (vốn ngân sách 308,24 tỷ đồng, chiếm 5%), đến năm 2013 là 12.000 tỷ đồng (vốn ngân sách 968,5 tỷ đồng, chiếm 8,07%). Nguồn vốn đầu tư xã hội tập trung vào các công trình giao thông, y tế, giáo dục và đào tạo, nhiều nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn quận. Đạt được những kết quả trên là do quận có nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, trong đó vấn đề quyết định là hoàn thành nhanh công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. Trong đó, từ năm 2003 đến năm 2013, quận đã xây dựng 29 trường học, trong đó có 7 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 7 trường THCS, 5 trường THPT, tăng gần 1.200 giáo viên. Vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng, thành lập được trên 150 trường tư thục các cấp.
- Để có được thành tựu trên, theo đồng chí, đâu là nguyên nhân quyết định?
Nhìn chung qua 10 năm, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn quận đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Đảng bộ quận đề ra. Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa to lớn; thể hiện vai trò lãnh đạo đúng đắn, toàn diện với tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của quận ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND quận, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Các kết quả đạt được diễn ra trong bối cảnh tình hình của quận còn nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong những năm gần đây chịu tác động bởi sự suy thoái kinh tế thế giới, sự suy giảm của nền kinh tế đất nước, nhưng với sự đoàn kết thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ quận, biết tận dụng các lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, sự năng động, quyết tâm, đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, sự chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo TPHCM và các sở ngành… từ đó tạo ra sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
| |
LONG BÌNH (thực hiện)