Nhà văn Lê Văn Thảo từ trần vào lúc 1 giờ ngày 21-10 sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 77 tuổi. Đến tiễn đưa ông có đông đảo các bạn văn, đồng nghiệp, lãnh đạo TPHCM; nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi vòng hoa chia buồn.
Các bạn bè, đồng nghiệp đã dành nhiều tình cảm với nhà văn Lê Văn Thảo, từ những kỷ niệm ngày xưa đến cả những dấu ấn ông để lại sau này.
Họa sĩ Trang Phượng ôn lại chuyện xưa: “…Chúng ta đã vào sinh ra tử, từ chiến dịch Đồng Xoài đến Tết Mậu Thân, lúc nào có chiến dịch là hai ta gặp nhau ở chiến trường, bao kỷ niệm của chúng ta mãi mãi đi cùng cuộc chiến tranh vệ quốc…”.
Nhà văn trẻ Ngô Thị Hạnh bùi ngùi: “Cảm ơn chú đã đến cuộc đời này và cảm ơn văn chương đã giúp cháu gặp được chú. Người mà cháu có thể tâm sự bất cứ chuyện gì cũng không e ngại bởi chú bao dung và độ lượng biết bao”.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Tác phẩm của ông đã trở thành ký ức của một thế hệ cầm súng giải phóng đất nước, cũng như những ký ức về văn hóa của một vùng đất Nam bộ giàu tài năng văn học”.
Một số bạn văn lại lấy thơ để từ biệt nhà văn như nhà thơ Trương Nam Hương: “Cơn giông thế thái tan rồi/Thôi anh về núi ngắm trời thả mây/Một đời gom trọn một ngày/Mang theo nước mắt vui đầy trăm năm”. Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc viết: “Về thôi lên núi thả mây/Bỗng Cơn giông đến dọc đường buốt đau/Ngóng về Sông nước Vàm Nao/Ông cá hô đã đi vào trăm năm” (Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Lê Văn Thảo: Cơn giông, Lên núi thả mây, Một ngày và một đời, Sóng nước Vàm Nao, Ông cá hô).
Nhiều bạn đọc đã đến tiễn đưa nhà văn lần cuối. Bạn đọc Nguyễn Hồng Dung chia sẻ: “Chỉ biết anh qua tác phẩm nhưng yêu văn chương của anh cũng yêu cả những nhân vật vì nó nói hết chất Nam bộ…”.
Đọc lời tiễn biệt Nhà văn Lê Văn Thảo đến nơi an nghỉ cuối cùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư bày tỏ xúc động: “Cuộc đời nhà văn Lê Văn Thảo là cuộc đời của một người cầm viết luôn xông xáo, luôn trăn trở với những hy sinh, mất mát to lớn của chiến sĩ, đồng bào trong chiến tranh và khát vọng cháy bỏng về cuộc sống hòa bình… Anh đã từng bộc bạch chuyện nghề của mình: “Bản tính chậm lụt, chuyện trước mắt mấy khi kịp hiểu ra, thường viết về những kỷ niệm, những hồi ức xưa cũ. Sinh ra lớn lên nhiều năm học ở Sài Gòn, giải phóng gần 30 năm vẫn ở đây, thấy mình vẫn có máu nhà quê, gốc nông dân từ nhiều kiếp trước... Ở thành phố, tôi hay đến những xóm lao động, ngồi ở những quán cóc, nghiệm ra rằng chính ở đó nghe những lời hay, những mẩu chuyện thú vị. Sợ chốn cao sang giới quan chức quyền quý. Dành sức viết về những người bình thường, những người có số phận hẩm hiu, bất hạnh. Trong chiến tranh nhiều năm sống với những người nông dân, bộ đội, du kích, viết bút ký, truyện ngắn về những người bình thường dân dã. Tình đồng đội, đồng chí là đề tài yêu thích. Cố tránh sự tô vẽ, làm dáng. Tránh ồn ào, giáo huấn. Viết giản dị, gần gũi với nhân dân quần chúng, dành nhiều khoảng trống cho người đọc, đó là phương châm...”.
Với phong cách sống và sáng tác này, hơn 40 năm qua, Nhà văn Lê Văn Thảo đã trở thành người bạn lớn, người anh thân thiết của lớp lớp những người viết văn trưởng thành sau năm 1975, không chỉ của TPHCM, miền Tây, miền Đông Nam bộ mà trên cả nước.
Đồng chí Thân Thị Thư nhận định: “Tuy tác phẩm Lê Văn Thảo không nhiều - cả đời anh, chỉ có 10 tập truyện ngắn và 5 tập tiểu thuyết, nhưng dấu ấn văn học mà anh để lại thì thật là sâu sắc. Anh đã từng phát hiện và giới thiệu trên Tuần báo Văn nghệ TPHCM nhiều cây bút mới thuộc thể loại văn xuôi mà bút lực và khả năng văn học của họ hiện nay đều đã được khẳng định. Những buổi trò chuyện tâm tình cùng bạn viết trẻ là những buổi truyền nghề độc đáo và lý thú, ngược lại với anh, đó cũng là những cơ hội làm đầy thêm vốn sống từ những suy tư của người viết trẻ. Nhiều chuyến đi sáng tác, đến tận những vùng núi phía Bắc Tổ quốc hay những hải đảo xa xôi ở vùng biển Tây Nam không chỉ là những chuyến “đi cho biết đó biết đây” mà đã khơi nguồn cảm hứng vô tận cho anh về những sáng tác tiếp theo...”.
TƯỜNG VY (ghi)