Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM

Đột phá về cơ chế để thu hút tài năng đặc biệt

LTS: TPHCM đặt mục tiêu đổi mới toàn diện cơ chế, chính sách về thu hút nhân lực chất lượng cao, mà trọng tâm là thu hút “tài năng đặc biệt” trên nhiều lĩnh vực. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng các mô hình khu công nghệ cao, khu đô thị sáng tạo, gắn với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh…
Báo SGGP trân trọng giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút nhân tài. 
GS-TS VÕ VĂN SEN
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu 
chiến lược và chính sách quốc gia - Đại học Quốc gia TPHCM
Giữa mong muốn đột phá về sự đãi ngộ nhân tài và thực tế khả năng đáp ứng của cơ chế chính sách hiện có khoảng cách rất lớn. Vì vậy, điều mấu chốt quan trọng là phải có sự đột phá về cơ chế chính sách để thu hút nhân tài.
Chiêu tài, dụng tài - việc cấp thiết
TPHCM đang có sự chuyển động lớn, nhất là việc chuyển đổi sang mô hình smart city (TP thông minh). Mô hình này là sự chuyển đổi dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ nhằm để đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội và môi trường.
Hơn bao giờ hết, TP cần có những bước đột phá hết sức mạnh mẽ về thu hút nguồn nhân lực. Nếu không thu hút được những nhân tài hàng đầu trong chuyển đổi mô hình này sẽ là sự thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, việc TPHCM xây dựng chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt là hết sức quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, hiện nay có tình trạng chảy máu chất xám ở nhiều cơ quan nhà nước. Đơn cử, ở Đà Nẵng đã có 40 trường hợp (trên tổng số 380 người trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao) xin nghỉ việc, 47 học viên khác thì vi phạm hợp đồng.
Đột phá về cơ chế để thu hút tài năng đặc biệt ảnh 1 Cán bộ trẻ phát biểu ý kiến trong buổi Thường trực Thành ủy TPHCM gặp gỡ cán bộ nguồn quy hoạch. Ảnh:  VIỆT DŨNG
Một trong những nguyên nhân mấu chốt là dù họ được hỗ trợ đào tạo nhưng khi nhận công việc thì các “nhân tài” này chỉ được hưởng mức lương công chức bình thường. Trong khi đó, với trình độ và học vị đạt được sau khi tham gia đề án, họ có thể nhận được mức thu nhập cao hơn từ khu vực ngoài công lập. 
TPHCM cần để rộng cửa “chiêu hiền” đối với tất cả các nhân tài trên các lĩnh vực mà chúng ta đang rất cần trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa với những công dân toàn cầu.
Bởi hiện nay, Việt Nam đang có 4,5 triệu người sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Nhiều người Việt Nam đã trở thành các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Đây là nguồn tài sản vô giá cho đất nước trong thời kỳ phát triển như hiện nay. Bên cạnh nguồn lực trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, đề án cần phải chú trọng thêm yếu tố các chuyên gia nước ngoài.
Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khoa học công nghệ của thời kỳ 4.0, chúng ta rất cần sự có mặt của chuyên gia hàng đầu nước ngoài tham gia xây dựng và chuyển giao công nghệ.
Tạo bệ đỡ cho sáng tạo
Trong việc thu hút người tài có sự cạnh tranh nguồn nhân lực cao cấp của khu vực công với các khu vực tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, chúng ta cần có sự so sánh các khu vực này để xác định mức đãi ngộ có đủ hấp dẫn hay không.
Theo tôi, TPHCM đưa ra mức hỗ trợ sinh hoạt phí từ 20 - 30 triệu đồng/tháng đối với “người có tài năng đặc biệt” là có sự nỗ lực lớn. Tuy nhiên, so với khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài thì mức đãi ngộ này (tương đương 1.000USD - 1.500USD/tháng) vẫn rất thấp. Bởi vì thu nhập trung bình của một nhân sự trung, cao cấp khu vực doanh nghiệp hiện nay có khi lên đến 15.000 - 20.000 USD/tháng.
TPHCM cũng cần thay đổi trong cách tiếp cận nhân tài và không nên thực hiện một cách quá nặng về tính hành chính. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề mang tính cốt lõi là TPHCM đang cạnh tranh nhân tài khốc liệt với khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh chế độ đãi ngộ cao, các khu vực này còn chủ động tiếp cận, trọng thị nguồn nhân lực chất lượng cao. Thuật ngữ “săn đầu người” trong ngành nhân sự và tuyển dụng đã phản ánh rất rõ điều này.
Vì vậy, việc chiêu dụ nhân tài của TPHCM cũng không nên nằm ngoài xu thế đó. Nghĩa là TPHCM cần một cơ chế đột phá thật sự nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách tiếp cận với người có tài năng, thay vì quá nặng tính hành chính theo kiểu: chờ người tài nộp hồ sơ và tuyển chọn.
Nhiều bài học trong lịch sử đã cho chúng ta thấy, để có thể thu hút người tài thì ngoài các cơ chế đãi ngộ cũng rất cần sự trọng thị, chân thành trong cách “chiêu hiền”.
Song song đó, việc hình thành một môi trường làm việc phù hợp với người tài là rất quan trọng để “dụng tài”. TP đặt ra kế hoạch tuyển dụng những người tài đã được “chiêu hiền” thành công chức, viên chức hoặc người lao động hoạt động trong khu vực công, nhưng thực tế cần lưu ý là môi trường làm việc ở khu vực công của nước ta hiện còn hết sức nặng nề về thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan đến tài chính.
Vì thế, nếu không tạo được một môi trường làm việc lành mạnh, năng động và hiệu quả thì rất khó để phát huy hết được thế mạnh của người tài khi tham gia vào hệ thống công. Những áp lực về hành chính có thể trở thành gánh nặng, kìm chế hoạt động của người tài. Ngược lại, một môi trường làm việc lý tưởng sẽ là bệ đỡ cho các ý tưởng và sự sáng tạo cất cánh.

Trả lương cao để tạo tác động tích cực và tiếng vang

Dưới góc nhìn kinh tế học, trong bối cảnh đất nước hòa bình thì thu nhập và lương sẽ là một thước đo, tiêu chí quan trọng để xác định người tài và động lực của người tài. 

Theo khảo sát của tôi trong lĩnh vực ngân hàng, tư vấn pháp luật, thì lương của giám đốc chi nhánh ngân hàng khoảng 100 triệu đồng/tháng, trưởng phòng giao dịch khoản 50 triệu đồng/tháng. Trong khi với chi phí đắt đỏ hiện nay, mức lương 30 triệu đồng/tháng mà đề án thu hút tài năng đặc biệt của TPHCM đề xuất thì chỉ đủ nuôi sống gia đình bậc trung, hầu như chưa có tích lũy. Do đó, với mức lương trên thì chỉ thu hút được người có năng lực khá, chứ chưa phải “tài năng đặc biệt” như mục tiêu TP đặt ra.

Thu hút tài năng đặc biệt là nhằm tìm kiếm những người tài để họ làm nòng cốt, thay đổi, đầu tàu cho các đồng nghiệp và tạo ra sự thay đổi tích cực trong bộ máy công quyền. Đây là điều quan trọng, tạo ra sự tác động kinh tế - xã hội lâu dài. Vì vậy, thay vì dùng nguồn tài chính để thu hút 500 người tài ở cấp độ 30 triệu đồng/tháng một cách dàn trải thì TP nên dùng chính nguồn lực đó để thu hút những người thực sự xuất sắc, được xã hội công nhận. Họ cũng cần được trả lương cao hơn nhiều lần mức 30 triệu đồng/tháng. Có như thế, chính sách thu hút tài năng đặc biệt của TPHCM mới gây tác động tích cực và tiếng vang trong xã hội. 

Ngoài ra, để tạo ra sự công bằng giữa “người mới” và “người cũ” thì cán bộ công chức hiện hành có thể đăng ký thi tuyển (đáp ứng các tiêu chí) vào đề án thu hút tài năng đặc biệt, để tạo cho họ cơ hội bứt phá. 

PGS-TS VÕ TRÍ HẢO, Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM

Đặt nhân tài vào vị trí phù hợp là vô cùng quan trọng

Thực tiễn sử dụng nhân tài ở nhiều nơi cho thấy, một số nhân tài sau khi được tuyển dụng đã không có cơ hội phát huy năng lực, sở trường, có phần do sự khác biệt với quan điểm của các lãnh đạo cấp trên. Khi đó, ý kiến trái chiều của nhân tài không được tôn trọng và đánh giá một cách đầy đủ. Trường hợp người lãnh đạo có đủ tâm, đủ tầm, biết tôn trọng ý kiến khác biệt, biết đặt lợi ích chung lên trên thì các ý kiến trái chiều của nhân tài sẽ được coi trọng và nhân tài có thể tự do thể hiện quan điểm. Ngược lại, người lãnh đạo ích kỷ, hẹp hòi, không thừa nhận quan điểm trái chiều sẽ là rào cản rất lớn để thu nạp được ý kiến của người tài. Trong trường hợp này, người tài thể hiện chính kiến sẽ bị gây khó, còn nếu không dám bày tỏ thì coi như vai trò của người tài không còn nhiều.

TPHCM dự kiến áp dụng hỗ trợ lần đầu, hỗ trợ chỗ ở, trả lương tương đối cao so với mặt bằng chung, thưởng cho nhân tài có những đóng góp trong việc xây dựng các công trình có giá trị… Đây là những giải pháp hết sức thiết thực để thu hút nhân tài, nhưng việc giữ chân được nhân tài còn quan trọng hơn rất nhiều. Tiền lương, thu nhập là quan trọng, nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân tài.

Một nguyên lý mà cha ông ta thường nói “dụng nhân như dụng mộc”. Cho nên, việc bố trí đặt nhân tài vào đúng những vị trí phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Việc để những nhân tài chỉ đơn thuần làm các công việc hành chính rõ ràng là không phù hợp. Tạo môi trường làm việc để nhân tài phát huy tối đa sức sáng tạo là quan trọng hơn nhiều so với vấn đề thu nhập. Do vậy, TPHCM cần phải có những biện pháp mang tính đột phá để đảm bảo môi trường hấp dẫn cho nhân tài, nhất là mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, mối quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM

Tin cùng chuyên mục