Một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng tăng tưởng, năng lực cạnh tranh của TPHCM là phát triển các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp công nghệ cao; nâng tỷ trọng các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP). Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (CNS) được giao nhiệm vụ chủ trì đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử), chiếm 90% toàn bộ chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP. Với nhiệm vụ của mình, ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc CNS cho biết:
Năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu các linh kiện cho ngành vi mạch lên đến 2,48 tỷ USD và dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân 14,3%/năm, đến 2020 giá trị thị trường dự kiến 4,06 tỷ USD. Như vậy, việc đầu tư thành công dự án nhà máy sản xuất chip điện tử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp giảm nhập siêu khoảng 1,5 tỷ USD trong 10 năm.
Bên cạnh đó, các hệ thống thông minh như giao thông (metro, xe buýt), quản lý tài sản, ngành công nông nghiệp kỹ thuật cao đều sử dụng “bộ não” điều khiển quan trọng nhất là con chip điện tử. Việc tự sản xuất và ứng dụng được các vi mạch điện tử sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam với mức lợi nhuận dự kiến từ 20% - 30% và sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ và công nghiệp khác phát triển theo để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng.
Với CNS nói riêng và TPHCM nói chung, nếu thực hiện thành công mục tiêu này sẽ là một cú hích mạnh mẽ cho ngành công nghiệp vi mạch của TP. Nhà máy này sẽ thúc đẩy hình thành và phát triển một hệ sinh thái vi mạch từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, công nghiệp hỗ trợ cho đến những phần mềm ứng dụng tích hợp trong một hệ thống hoàn chỉnh.
* PV: Vậy lộ trình để hiện thực hóa nhà máy như thế nào?
* Ông Chu Tiến Dũng: Sau khi được Thủ tướng phê duyệt chủ trương và chính sách ưu đãi (tháng 5-2015), CNS đã tích cực tìm kiếm, gặp gỡ các đối tác nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu khả thi, nghiên cứu thị trường, chọn lựa công nghệ, chọn lựa mô hình đầu tư… để hoàn thiện dự án trình lãnh đạo TPHCM phê duyệt. Một yếu tố tác động lớn đến sự thành công lâu dài của dự án là nguồn nhân lực công nghệ cao, CNS đã hợp tác với đối tác FabMax và đại học DELF từ Hà Lan để đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhà máy, 12 kỹ sư trong lớp đầu tiên đang được đào tạo. Bên cạnh đó, CNS cũng thực hiện một số dự án đi kèm để xây dựng hệ sinh thái và đầu ra sản phẩm cho nhà máy như hệ thống giao thông thông minh, vé xe buýt điện tử; thu phí không dừng; sản xuất chip nguồn…
* Để nhà máy đi vào hoạt động, còn cần những yếu tố gì? Liệu chúng ta có thể cạnh tranh được trong lĩnh vực này không, thưa ông?
* Vấn đề khó khăn hiện nay của CNS là nguồn tài chính, nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ cho đơn vị tiên phong đi đầu, đột phá. Chúng ta có nhiều khó khăn trong phát triển khoa học công nghệ nói chung chứ không riêng gì với công nghiệp vi mạch. Tuy nhiên, trong khu vực, nhiều nước đã thành công trong phát triển công nghiệp vi mạch mà xuất phát điểm cũng tương tự như chúng ta ngày nay.
Để có nhà máy sản xuất chip hiệu quả vẫn còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu, tính toán, đặc biệt là nghiên cứu đầu tư làm sao để giảm thiểu rủi ro. Để đáp ứng các nhu cầu này, không còn cách nào khác là chúng ta phải tự chủ, phải đối diện với những khó khăn, dù rất lớn. TP đi đầu trong phát triển công nghệ cao và giờ cũng đi đầu trong việc đặt vấn đề sản xuất chip. TP có nhiều khát vọng và nhìn thấy sự đột phá, ý nghĩa thực tiễn từ dự án. Hiện nay, CNS đang tính đến rất nhiều giải pháp, tiếp tục phân tích, đánh giá các mô hình đầu tư. Với dự án chưa có tiền lệ này, cần có những chính sách rất đặc biệt, quyết sách cũng phải đột phá chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là chính sách về sử dụng chip điện tử nội địa.
* Việc TP chuyển giao 2 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao về trực thuộc CNS là Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu công nghệ cao sẽ tạo thêm thuận lợi gì cho CNS?
* CNS là tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt, trực thuộc UBND TPHCM. CNS hoạt động sản xuất kinh doanh 4 lĩnh vực công nghiệp chủ lực của TP và đang có những dự án đầu tư tập trung về công nghệ cao như nhà máy sản xuất vi mạch, nhà máy cơ khí chính xác cao CNS Amura. Việc chuyển giao 2 đơn vị trên về CNS phù hợp với hướng quy hoạch về lĩnh vực và ngành nghề mà CNS đang chủ trì. Trên bình diện tổng thể, tôi tin rằng các đơn vị trên và CNS có cùng chiến lược phát triển công nghệ thông tin, công nghệ cao sẽ có sự tác động tương hỗ, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Bảo (thực hiện)