Dư âm buồn sau một kỳ thi

Sau khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, mạng xã hội truyền nhau thông tin đăng tải của một phụ huynh: “Con sốc do kết quả thi không tốt nên đã bỏ ăn rồi viết thư để lại chào tạm biệt gia đình và đi khỏi nhà từ 17 giờ ngày 9-7.

Đặc điểm nhận dạng con…”. Cuối dòng tin, phụ huynh kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ, ai thấy con ở đâu xin giữ con lại và liên hệ bố mẹ theo số điện thoại gia đình cung cấp. Trường hợp nói trên không phải cá biệt và gần như năm nào, sau mỗi kỳ thi đều có những vụ việc đau lòng như thế!

Sau khi điểm chuẩn được công bố, trên mạng xã hội ngập tràn lời chúc tụng, bố mẹ khoe thành tích con đậu nguyện vọng 1 vào trường này, có tên trong danh sách trúng tuyển ở trường kia. Giáo viên chủ nhiệm không ngừng cập nhật danh sách học sinh trúng tuyển vào các trường công lập có điểm chuẩn đầu vào ở tốp đầu thành phố để khẳng định thành tích dạy học cá nhân cũng như báo cáo kết quả học tập niên khóa 2017-2021. Đứng bên lề niềm vui đó, những học sinh không may trượt cả 3 nguyện vọng lớp 10 công lập trở thành cá biệt. Các em không cần phụ huynh la mắng đã vội tìm đến những hướng giải quyết tiêu cực như bỏ nhà đi, tự tử vì không chịu nổi sức ép của những lời chúc tụng, biểu dương thành tích bạn bè trong lớp. Trước đó, học sinh đã chịu muôn vàn áp lực từ những bài thi thử do các trường tổ chức trước kỳ thi thật, các con số thống kê tỷ lệ chọi, tính không ổn định của phương thức tuyển sinh qua các năm… Những áp lực đó cộng thêm tâm lý kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô khiến thi cử trở thành gánh nặng khủng khiếp trên vai những đứa trẻ 15 tuổi, nhất là khi “rớt tốt nghiệp THPT năm sau còn thi lại nhưng tuyển sinh lớp 10 không có lần thứ hai”.

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng thông tin rất nhiều về những hướng rẽ cho học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập, nhưng số đông tâm lý phụ huynh và học sinh vẫn còn e dè với các loại hình học tập này. Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhiều lần khẳng định, hệ giáo dục thường xuyên có số môn học ít hơn hệ phổ thông nhưng khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, bằng cấp của học sinh là như nhau.

Thêm vào đó, hiện nay các trường trung cấp, cao đẳng nghề mở ra rất nhiều loại hình học tập cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Vì vậy, thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan quản lý xem xét phương án tổ chức tuyển sinh gọn nhẹ, phù hợp hơn với thực tế dạy và học. Trong đó, bên cạnh việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh, có thêm nhiều hình thức hướng nghiệp, vừa đảm bảo yêu cầu phân luồng học sinh vừa giảm áp lực thi cử.

Tin cùng chuyên mục