Đủ chưa hẳn đã tốt

Theo công bố mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, hơn 51% học sinh lứa tuổi tiểu học trên địa bàn TP mắc chứng thừa cân, béo phì. Ở độ tuổi THCS, THPT, tỷ lệ này lần lượt giảm ở các mức 33,5% và 19,5%. Nhìn chung, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2009 - 2014, tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh phổ thông đã tăng nhanh từ 18,6% lên mức 41,1%. Đây là một thực tế rất đáng báo động, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng học tập của các em.

Nếu như cách đây vài chục năm, học sinh TPHCM nói riêng và cả nước nói chung luôn được cảnh báo tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi ở mức cao. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống còn đơn điệu, trường học chưa quan tâm đúng mức đến khẩu phần, hàm lượng calo cần thiết theo các tính toán khoa học. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, cùng với sự phát triển tốt hơn về mặt kinh tế, các gia đình đã chú ý hơn bữa ăn của con cái, trường học phối hợp chặt chẽ với trung tâm dinh dưỡng áp dụng các bộ thực đơn chuẩn, hàm lượng calo tính toán rõ ràng, giúp sức khỏe học sinh có nhiều cải thiện. Song, nói theo lời của một nữ cán bộ y tế, “cái gì đủ quá chưa hẳn đã tốt”. Khi hệ thống cửa hàng tiện lợi với vô số thức ăn nhanh được học sinh ưa thích như phô mai que, xúc xích nướng, hambuger, trà sữa… mọc lên như nấm - đặc biệt ở trước các cổng trường tiểu học, thì lực lượng chăm sóc sức khỏe học đường nhiều năm qua lại chuyển biến rất ì ạch. Song song đó, điều kiện sân bãi, nhà thi đấu tập luyện thể dục thể thao dù được hô hào, phụ huynh “dốc của” đóng góp nhưng sau nhiều năm phấn đấu vẫn dậm chân tại chỗ. Ngoài một số nguyên nhân cố hữu tồn tại nhiều năm qua như thiếu cơ sở vật chất, thiếu kinh phí thì còn có một số lý do khác chi phối, như tầm nhìn của người lãnh đạo, sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chức năng. Đã có trường học bỏ ra hàng trăm triệu đồng trang bị bảng tương tác nhưng lại không có nổi vài chục triệu đồng để cải tạo sân bãi thành chỗ tập luyện thể dục cho học sinh. Tuy hiện nay, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường hoạt động tập thể dục giữa giờ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh tham gia các môn ngoại khóa như bóng đá, bóng rổ, bơi lội, võ thuật… nhưng nhìn chung vẫn hoạt động ở tình trạng chắp vá, nơi làm tốt, nơi không.

Bên cạnh đó, áp lực học hành, thi cử cũng góp phần không nhỏ khiến giáo viên chủ nhiệm ngoài việc chăm lo điểm số, kết quả học tập của học sinh không còn nhiều thời gian quan tâm đến sức khỏe, nhu cầu vận động của các em. Theo cán bộ y tế một trường tiểu học, do số lượng học sinh đông, mỗi trường học chỉ có một người làm công tác chăm lo y tế nên kết quả kiểm tra sức khỏe đầu năm của học sinh chỉ được thông báo cho giáo viên chủ nhiệm thông qua… xấp giấy kết quả. Người có đủ thời gian thì nghiên cứu, ai bận quá chỉ cần nắm đại khái lớp có bao nhiêu bạn suy dinh dưỡng, cận thị, thừa cân, béo phì. Sau đó, kết quả này được báo lại cho bộ phận nhà bếp để có thực đơn riêng phù hợp. Tuy nhiên, nhiều việc làm khác như giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giám thị giám sát học sinh trong giờ ra chơi, nhắc nhở những em thừa cân, béo phì hạn chế mua thức ăn nhanh, nước ngọt hay kết hợp cùng giáo viên thể dục thiết kế những bài tập dành riêng cho nhóm đối tượng này chưa được các trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, quan tâm đúng mức.

Từ tình trạng đa phần học sinh suy dinh dưỡng chuyển sang thừa cân, béo phì không phải dấu hiệu tốt, trái lại đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu cũng như thiếu sót của hệ thống chăm sóc sức khỏe học sinh. Nhưng để cải thiện điều đó, xem ra còn có quá nhiều việc phải làm…

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục