Du học nghề với việc làm bền vững

Mùa tuyển sinh của khối giáo dục nghề nghiệp đang bước vào cao điểm. Trong đó, vừa học nghề vừa du học là lựa chọn mới, phù hợp với năng lực, kinh tế của không ít bạn trẻ, tiêu chuẩn nhập học không quá khắt khe, chương trình học thực tế và ra trường dễ tìm việc.
Du học sinh Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM trên công trình ở Nhật Bản
Du học sinh Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM trên công trình ở Nhật Bản

Học chuyển đổi văn bằng cũng có lương

Năm 2020, Hoàng Anh Dũng (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và đạt 24 điểm. Thời điểm đó, dù đủ khả năng trúng tuyển vào nhiều trường đại học, nhưng Dũng đã quyết định theo học ngành Quản lý xây dựng tại Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM. “Điều kiện kinh tế gia đình ở mức khá, nhưng xét thấy học cao đẳng ra trường có việc làm ngay nên em quyết định chọn học nghề”, Dũng tâm sự. Hiện giờ, Dũng đang là sinh viên năm 3 và mới trúng tuyển tham gia Chương trình Đào tạo công nghệ xây dựng Nhật Bản (JCC) tại trường, khi hoàn thành chương trình sẽ được cấp visa kỹ sư của Nhật Bản.

Theo ThS Nguyễn Bá Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM, trường là cái nôi đào tạo nhân lực cho ngành xây dựng khu vực phía Nam. Không chỉ vậy, khóa học công nghệ xây dựng Nhật Bản được trường hợp tác với đối tác Nhật Bản gần 8 năm qua đã cung cấp hàng trăm kỹ sư xây dựng cho phía nước bạn.

Điểm thuận lợi của chương trình này là sinh viên đang học kỳ cuối hệ cao đẳng/đại học ngành xây dựng, quản lý xây dựng, giao thông, trắc địa, kiến trúc, cấp thoát nước, điện... đều có cơ hội theo học.

Khi trúng tuyển, sinh viên sẽ được đối tác Nhật Bản cho vay 50% học phí (khoảng 70 triệu đồng) để chi trả phần học tiếng Nhật, văn hóa Nhật và đào tạo chuyên ngành tại Việt Nam.

Học xong, sinh viên đạt yêu cầu sẽ sang Nhật làm việc, được trừ dần khoản vay theo lương tháng. Hết thời hạn visa kỹ sư 5 năm làm việc tại Nhật Bản, trở về Việt Nam, các em đều được doanh nghiệp trong nước săn đón với mức lương từ 35-50 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, ở các trường: Cao đẳng Viễn Đông, Cao đẳng Quốc tế TPHCM, Cao đẳng Việt Mỹ, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Kỹ nghệ II, Trung cấp Việt Giao, Trung cấp Nguyễn Tất Thành… cũng có các chương trình liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, đại học trên thế giới để người học chọn lựa mô hình học phù hợp với năng lực bản thân.

ThS Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn, chia sẻ, học sinh sau tốt nghiệp THPT nếu chọn học chương trình chuyển tiếp đào tạo 1+2 (1 năm học ở Việt Nam, 2 năm học ở Nhật Bản), 2+1 hoặc 2+2 (để lấy bằng đại học) với Trường Đại học quốc tế Kobe, sinh viên sẽ nhận song bằng của Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra còn được giới thiệu việc làm thêm phù hợp trong thời gian học tập và giới thiệu làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp.

Lợi thế “3 năm 2 bằng”

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho biết, theo dữ liệu của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 612.300 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1-2023 thì có gần 118.000 thí sinh bỏ xác nhận nhập học. Thực tế, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm gần đây chứng kiến nhiều trường hợp học sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT khá cao nhưng lại lựa chọn theo học cao đẳng hoặc trung cấp nghề. “Đây là tín hiệu vui, cho thấy nhận thức của phụ huynh và học sinh đã thay đổi nhiều, không phải cứ vào đại học mới thành danh”, TS Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) hiện đào tạo 10 ngành/nghề thuộc chương trình đào tạo THPT- Cao đẳng (9+4) như điện công nghiệp; cơ điện tử; kế toán doanh nghiệp; thương mại điện tử; công nghệ ô tô… Điểm ưu việt khi học sinh lựa chọn học hệ 9+4, các em được miễn 100% học phí 3 năm đầu học chuyên môn nghề nghiệp và chỉ đóng học phí chương trình học văn hóa. Năm thứ 4, các em sẽ đóng học phí chương trình đào tạo cao đẳng tại thời điểm học tập. Học sinh học tập tại trường sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành, có cơ hội trở thành thực tập sinh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức… theo chương trình ký kết hợp tác giữa trường với các tổ chức, trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (doanh nghiệp đào tạo, phái cử thực tập sinh, kỹ sư sang Nhật làm việc, liên kết hợp tác với nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước) cho biết, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng 5.000 chỉ tiêu/năm.

“Chúng tôi hiện không chỉ tuyển thực tập sinh tốt nghiệp THPT sang Nhật Bản làm việc mà còn tuyển kỹ sư tốt nghiệp cao đẳng, đại học các ngành như điện, điện tử, ô tô, cơ khí, xây dựng… với mức lương dao động 25-40 triệu đồng/tháng, tùy ngành nghề”, ông Sơn cho hay.

Đại diện Công ty WBS Training Việt Nam (chi nhánh của Tập đoàn WBS Training AG, CHLB Đức) thông tin, nước Đức hiện đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động trong các ngành nghề cơ bản, do đó WBS Training Việt Nam mỗi năm cần hàng ngàn ứng viên cho các ngành nghề như điều dưỡng, nhà hàng - khách sạn, xây dựng, cơ khí điện tử… Mức lương trong thời gian học nghề là 900-1.400 Euro/tháng và sau tốt nghiệp là 2.500-3.500 Euro/tháng.

Cung ứng bao nhiêu, tuyển bấy nhiêu

Đầu năm 2023 đến nay, nhiều trường nghề nhận được đặt hàng lao động của khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình như Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành nhận đặt hàng lao động của nhiều doanh nghiệp Australia. Công việc yêu cầu người lao động nắm vững các kỹ năng như xây gạch, tô trát, ốp lát tường. Trình độ tiếng Anh ở mức cơ bản. Tiền lương cho người lao động khoảng 60.000 AUD/năm (trên 940 triệu đồng/năm), chưa tính các khoản thưởng, thu nhập tăng thêm. “Doanh nghiệp nước bạn cho biết trường cung ứng được bao nhiêu, họ sẽ tuyển bấy nhiêu. Đây là cơ hội rất tốt để học sinh lựa chọn”, TS Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, cho biết.

Tin cùng chuyên mục