Ngày 30-3, tại hội nghị lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ TPHCM về dự thảo quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) khi nhà đất bị thu hồi, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo lần này cụ thể hơn và nhiều quy định có lợi cho người dân.
Tăng bồi thường, hỗ trợ
Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Tạ Quang Vinh cho biết, dự thảo quyết định này có đề xuất tăng mức hỗ trợ và đền bù cho người dân có đất bị thu hồi. Cụ thể như các trường hợp đang sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước không đủ điều kiện để mua hoặc đủ quyền để thuê nhưng phải mua theo giá thị trường được xét đề nghị tính hỗ trợ bằng 40% giá trị đất và giá trị nhà đang thuê khi bị thu hồi đất.
Ông Vinh cho biết, trường hợp này có rất nhiều ở các dự án chung cư cũ tại TPHCM. Đa số người dân không đồng tình với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ (theo quy định) để tự di dời nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khá nhiều khó khăn.
Việc hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn ao (không được công nhận là đất ở) được đề nghị áp dụng mức hỗ trợ 40% giá thị trường. Đất nông nghiệp trong khu dân cư có mức hỗ trợ đến 50% giá đất ở trung bình của khu vực có đất bị thu hồi. Ngoài ra, dự thảo cũng tăng mức hỗ trợ di chuyển từ 2 - 5 triệu đồng/hộ lên 4 - 10 triệu đồng/hộ tùy trường hợp…
Góp ý về giá bồi thường đất nông nghiệp, ông Phạm Công Thành, Chủ tịch UB MTTQ quận Thủ Đức cho rằng nên phân biệt đất nông nghiệp giữa quận và huyện vì hiện nay giá sang nhượng đất nông nghiệp trên thực tế ở các khu vực chênh lệch rất cao. Chính vì thế, cần quy định cụ thể trong việc áp giá để tính đền bù nhằm tránh thiệt thòi và thiếu công bằng cho người dân.
Không đủ điều kiện cũng được TĐC
Sở Tài chính cho biết, hiện chưa có quy định nào về việc xử lý TĐC đối với trường hợp không đủ điều kiện nên trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, dự thảo đã bổ sung quy định các trường hợp này tùy theo quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp của TP sẽ được xem xét cho thuê, mua theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Chủ tịch UB MTTQ quận 10 góp ý, cho dù không đủ điều kiện TĐC thì khi thu hồi đất cũng phải bố trí TĐC cho người dân. Có thể bố trí cho họ nhà nhỏ hơn hoặc điều chỉnh giá mua TĐC so với những người đủ điều kiện để đảm bảo cho người dân có chỗ ở sau khi thu hồi. Trước đây, cho dù có sống trong cái chòi thì họ vẫn có một chỗ ở” - ông Cảm bày tỏ.
Dự thảo quy định những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và TĐC hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường trước ngày 1-10-2009 (NĐ 69/CP của Chính phủ có hiệu lực) thì không áp dụng hoặc không điều chỉnh theo quyết định này.
Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, các dự án đã phê duyệt nhưng chưa thực hiện thì nên xem xét cho áp dụng quyết định này. “Thực tế có nhiều dự án “treo” cả chục năm, tại sao lại không áp dụng quyết định này để có lợi cho dân?” - bà Hòa thắc mắc.
Đồng tình với luật sư Hòa, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UB MTTQ TPHCM cũng đề nghị cần phân biệt các dự án về kinh tế và dự án quốc gia, dự án công cộng. Theo ông, nếu bị thu hồi đất để làm các dự án cây xanh, phúc lợi xã hội… thì người dân sẵn sàng giao đất vì hiện nay có rất nhiều người dân hiến đất làm đường, làm hẻm. Tuy nhiên, đối với việc thu hồi để làm các dự án kinh doanh thì phải tính đền bù, hỗ trợ cho dân một cách thỏa đáng.
Kết thúc hội nghị, ông Tạ Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP cho biết sẽ tiếp thu ý kiến về việc phân biệt mục đích thu hồi đất vì công cộng hay dự án kinh doanh. Đối với việc hỗ trợ việc làm cho người bị thu hồi đất, TP chưa có chủ trương cụ thể là bỏ hay duy trì mà đang giao cho Sở LĐTB-XH đánh giá xem xét rồi tính tiếp.
“Tuy nhiên, do NĐ 69/CP quy định chỉ hỗ trợ cho trường hợp thu hồi đất nông nghiệp nên dự thảo cũng phải theo” - ông Vinh giải trình. Riêng về trường hợp lấn chiếm đất có hỗ trợ hay không là căn cứ vào thời điểm sử dụng. “Nếu sau ngày 1-7-2004, tức thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực thì dứt khoát không hỗ trợ”, ông Vinh khẳng định.
NHUNG NGUYỄN