Lịch sử, địa lý địa phương theo quy định của Bộ GD-ĐT là một nội dung rất quan trọng. Tuy nhiên, theo phân phối chương trình giảng dạy lịch sử và địa lý địa phương của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT đã gặp nhiều khó khăn trong những năm qua, do chưa có tài liệu đầy đủ và thống nhất. Nhiều giáo viên phải tự nghiên cứu, biên soạn giáo án dựa trên những tài liệu có sẵn trong thư viện hoặc sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.
Vừa dạy vừa lo
Theo ông Mai Phú Thanh, chuyên viên môn Địa, Sở GD-ĐT TPHCM, việc đưa nội dung Địa, Sử địa phương vào giảng dạy cho học sinh là việc làm nhiều ý nghĩa, nhưng không hề đơn giản. Khi đưa vào thực hiện, bản thân Sở GD-ĐT và các giáo viên bộ môn cũng vấp phải hàng loạt vấn đề, đặc biệt là tài liệu giảng dạy.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến của giáo viên dạy Địa và Sử ở nhiều trường tại TPHCM cho rằng, việc phân phối chương trình theo khung của Bộ GD-ĐT là đúng nhưng việc giáo trình “chuẩn” lại để cho từng địa phương tự làm mà không được hỗ trợ hay kiểm định là gây khó cho giáo viên.
Thầy Dương Hiền Chữ, tổ trưởng tổ Địa, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, chia sẻ: “Đâu phải giáo viên nào cũng có thể viết được tài liệu giảng dạy một cách chân thực, ngắn gọn, dễ hiểu. Nên chăng cần có nơi tập hợp và thẩm định những tài liệu đó, thậm chí phải có một hội đồng chuyên môn có trình độ và kiến thức vững chắc để làm công tác này. Bởi lẽ kiến thức về Sử và Địa khá nhạy cảm, nếu không chọn đúng giá trị, đưa ra thông tin chính xác thì hậu quả khó lường và ý nghĩa của việc dạy Sử và Địa địa phương hóa ra phản tác dụng”.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, giáo viên Trường Tiểu học Tuy Lý Vương, quận 8, cho biết: “Khi giảng dạy bài giảng tự nhiên và xã hội ở quận 8 trong môn Sử địa phương, tôi đã gặp không ít khó khăn. Ngoài việc tự sưu tầm thông tin trên mạng, tôi còn tìm đến UBND quận, Phòng Giáo dục để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, không phải có nhiều tư liệu là giáo viên sẽ làm chủ được kiến thức vì còn phải biết lựa chọn và sắp xếp các tài liệu đắt giá. Điều quan trọng là phải truyền tải như thế nào cho thật sinh động, phản ánh trung thực và giúp học sinh tiếp thu một cách dễ dàng”.
Đa dạng nhưng cần thống nhất
Không chỉ tại TPHCM, ở các tỉnh thành khác việc giảng dạy chương trình này cũng gặp nhiều vấn đề mà nếu không có hướng giải quyết sẽ để lại hậu quả khó lường.
Ông Trần Minh Hòa, Trưởng phòng Trung học, Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết: “Ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp cũng gặp nhiều khó khăn trong những năm qua khi thực hiện chương trình giảng dạy Sử và Địa địa phương. Giáo viên phải tự biên soạn dựa trên những tư liệu có sẵn trong thư viện trường hoặc tự sưu tầm nên mỗi người một vẻ. Nhưng nếu “mạnh ai nấy dạy” là rất nguy hiểm. Đa dạng là hay, nhưng cần thống nhất”.
Trước yêu cầu cấp thiết này, Sở GD-ĐT phải phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các giáo viên thực hiện đề tài “Điều tra, nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy Sử và Địa địa phương tỉnh Đồng Tháp” nhằm hoàn chỉnh và thống nhất tài liệu chung giữa các giáo viên và giữa các trường trong tỉnh.
Ở tỉnh Cà Mau, theo nhiều giáo viên, việc thiếu một bộ giáo trình chuẩn đã gây không ít khó khăn trong việc giảng dạy. Để khắc phục tình trạng này, Sở GD-ĐT Cà Mau và Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường Cà Mau đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu tổng hợp, xây dựng nội dung và phương pháp giảng dạy môn Sử, Địa địa phương cho học sinh phổ thông Cà Mau”.
Tương tự, tại tỉnh Hậu Giang, nhằm tiến tới hoàn thiện tài liệu Địa địa phương cho 2 cấp học THCS và THPT, vừa qua Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy Địa lý tỉnh Hậu Giang” với sự tham gia của các sở, ban ngành liên quan, chuyên gia địa lý và giáo viên các trường THCS, THPT.
Qua hội thảo, các giáo viên thống nhất việc biên soạn một tài liệu thống nhất về Địa địa phương để phục vụ giảng dạy. Ngoài ra, các giáo viên nhấn mạnh, trong quá trình giảng dạy nên lưu ý về các địa danh, bổ sung tài liệu hỗ trợ nghe, nhìn và tăng cường đi thực tế.
Dạy và học Sử, Địa địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất, con người nơi mình sinh ra và lớn lên, hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước và còn giúp học sinh nhận thức sâu sắc lịch sử dân tộc, địa lý Việt Nam.
Những năm qua, dù chương trình dạy môn Sử, Địa địa phương đã được đưa vào chương trình chính khóa cả 3 khối tiểu học, THCS và THPT nhưng do thời lượng và phân phối tiết dạy quá ít (chỉ chiếm 2 - 4 tiết), cộng thêm việc hạn chế tài liệu, giáo trình nên các giáo viên chỉ cố gắng truyền đạt trong phạm vi cho phép. Vì thế, học sinh học các tiết học này chủ yếu chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.
Nguyễn Thủy