Xem kịch thơ “Kiều Loan”

Dũng cảm của người dàn dựng

Dũng cảm của người dàn dựng

Theo nhà thơ Hoàng Cầm, “Kiều Loan” được viết cách đây hơn 45 năm trong nỗi đau xót và căm hận tột cùng về tội ác của quân phát xít Nhật với người con gái mà tác giả đem lòng yêu… *

Nhưng nội dung vở kịch không dính dáng gì tới quân đội Nhật, tất nhiên, bởi năm 1940, một người dân mất nước làm sao có thể bày tỏ được nỗi căm hận của mình một cách trực tiếp với quân thù. Và vì vậy, bối cảnh lịch sử được chuyển thành thời Nguyễn Ánh, với câu chuyện người thiếu phụ tên Kiều Loan đi tìm chồng.

Dũng cảm của người dàn dựng ảnh 1

Cảnh Kiều Loan gặp lại chồng. Ảnh: N.L.

Cô đi lang thang khắp kinh thành Phú Xuân, giả điên dại để tìm người chồng họ Vũ, người mà cô tìm kiếm suốt 10 năm qua, nay trở thành một danh tướng của Nguyễn Aùnh. Kiều Loan bị bắt vì tội giả điên dại hát những lời bất kính với Chúa Nguyễn, dám bôi nhọ thanh danh của Nguyễn Ánh. Khi hai vợ chồng giáp mặt nhau, tuy Vũ tướng quân không dám nhìn vợ, nhưng Nguyễn Ánh đã biết rõ, nên để giữ lòng trung của Vũ, ông ta vừa cho lệnh thả tự do cho nàng, vừa cho người đánh thuốc độc ngầm sát hại nàng.

Việc ngầm sai đánh thuốc độc giết Kiều Loan chính là tác giả lấy từ câu chuyện thật về cô gái đẹp Thanh Loan mà tác giả đem lòng yêu, một cô gái đẹp được đến 8 tên sĩ quan Nhật say mê. Để không rối loạn quân ngũ, viên thiếu tướng chỉ huy Nhật đã ra lệnh ngầm giết Thanh Loan bằng một liều thuốc ngủ cực mạnh, bởi hắn nhìn thấy mầm hiểm hoạ từ cô gái, có thể gây mối hiềm khích giữa các sĩ quan của hắn. Nhưng trong kịch, tác giả đã không cho Kiều Loan chết, mà chính người chồng họ Vũ đã phải chết dưới lưỡi gươm của nàng…

Câu chuyện có lúc đã được đẩy lên đến đỉnh điểm của những mâu thuẫn, những dằn xé nội tâm trong từng nhân vật. Như cảnh Vũ tướng quân gặp lại vợ giữa nơi xử án, tâm trạng hạnh phúc và đớn đau của nàng Kiều Loan khi gặp lại chồng…. Và đến đỉnh của tình huống bi thảm là cảnh Kiều Loan cầm thanh gươm của chính chồng tặng để hạ sát chồng. Quách Thu Phương hóa thân vào nàng Kiều Loan với một cố gắng vượt bực, nhưng rõ ràng do giới hạn của kịch thơ, cô đã không thể nào chuyển tải nổi sự dằn xé của nội tâm khi phải làm một việc mà không phải người phụ nữ nào cũng có thể làm được.

Từ cao trào của niềm hạnh phúc dâng trào, khi Vũ tướng quân lẻn vào ngục vạch kế hoạch giải cứu nàng, giọng người phụ nữ đã nghẹn ngào trong cảm xúc: “Thiếp đã thấy nắng ngày mai sáng chói. Trong đêm nay chồng vợ sẽ lên đường…”. Nhưng chỉ trong chốc lát, khi Vũ tướng quân ra lệnh đàn áp nhân dân đang vùng dậy thì nàng đã thọc mũi kiếm vào ngực chồng. Và Vũ đã phải kêu lên thảng thốt: “Kiều Loan, nàng giết ta, dòng máu xưa nàng âu yếm chăm nom…”. Cho nên vấn đề của “Kiều Loan” chính là sự dũng cảm của người dàn dựng, bởi thể loại này đã quá cách xa với thời đại bây giờ.

Sự đều đặn trong tiết tấu của thơ đã không thể nâng nổi những cao trào gay gắt trong nội tâm nhân vật. Vì vậy, không ngạc nhiên khi có những đoạn người xem cảm giác như được bày biện những màn hoạt náo trên sân khấu dưới hình thức minh họa. Và nàng Kiều Loan dù được trau chuốt dưới bàn tay đạo diễn, với những đoạn cao trào của nhiều tình huống kịch, nhưng vẫn thấy khá mông lung và khó đậu được vào trái tim cảm xúc của người xem…

Vở kịch thơ đang được Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn ở Nhà hát TPHCM.

BÍCH CHÂU

* Theo bài “Vì sao tôi viết kịch thơ Kiều Loan” của Hoàng Cầm trên báo Thanh Niên.

Tin cùng chuyên mục