Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 xảy ra ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã gây rúng động dư luận, khiến xã hội vô cùng bất bình, phẫn nộ cả gần 1 năm qua, nhưng mãi đến phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội vào ngày 31-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ mới nhận trách nhiệm về vụ việc này. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi năm 2018 là tiếp nối các kỳ thi trước về đổi mới thi cử, giảm áp lực, bảo đảm khách quan, nhưng đã xảy ra sự cố gian lận ở một số địa phương, đặc biệt là khâu chấm thi, gây bức xúc xã hội.
Rà soát lại toàn bộ quy trình, về phía Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin nhận trách nhiệm và thiếu sót rằng ở phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) tại một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi theo phân cấp, còn để xảy ra sai phạm. Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi (nhất là ở khâu chấm thi) ở một số địa phương chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh. Về bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo liên tiếp diễn ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ sự bức xúc và lo lắng.
Ngay sau phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, không ít đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã giơ biển xin tranh luận lại với Bộ trưởng. Dù rất chia sẻ với những khó khăn mà người đứng đầu ngành giáo dục đang phải đối mặt, nhưng nhiều ĐBQH đều mong muốn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần chỉ thật rõ nguyên nhân của những yếu kém mà giáo dục đang vấp phải để có giải pháp chấn chỉnh thực sự hiệu quả. Với kỳ thi THPT quốc gia, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) hay ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, đều cho rằng, Bộ GD-ĐT cần giao quyền tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng để họ tự lựa chọn sinh viên phù hợp. Bởi thực tế từ khi tổ chức thi chung thì hạn chế, bất cập liên tục bộc lộ và ngày càng trầm trọng hơn; đến kỳ thi năm 2018 thì “bung bét” với sự cố gian lận điểm thi gây rúng động. Việc tổ chức thi chung 2 mục đích (tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học) đã đi ngược với tinh thần tự chủ đại học đang được xây dựng, định hướng…
Về những bất ổn của giáo dục hiện nay như bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo, tỷ lệ học sinh giỏi cao… nhiều ĐBQH cũng đặt câu hỏi phải chăng vấn đề “cốt tử” của ngành giáo dục là bệnh thành tích. Căn bệnh thành tích là trầm kha và liên quan đến bệnh thành tích trong các lĩnh vực khác của xã hội chứ không chỉ của ngành giáo dục, nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa nêu rõ. Mà khi đã chưa nêu rõ, thì chưa có những giải pháp trúng để giải quyết căn nguyên gốc rễ vấn đề.
Yêu cầu, mong muốn của nhân dân, của xã hội đối với ngành giáo dục luôn rất lớn, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu, liên quan đến con người, đến tương lai đất nước. Do đó, không chỉ đơn thuần là việc yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải nhận thấy trách nhiệm, thiếu sót về những yếu kém đang xảy ra trong ngành, điều mà xã hội mong mỏi hơn nhiều là những vị có trọng trách ở ngành giáo dục sẽ đề ra được những giải pháp hữu hiệu cho giáo dục trong thời gian tới. Xã hội đang trông chờ ngành giáo dục sẽ xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi; đưa ra khỏi ngành những cán bộ, giáo viên sai phạm trong thi cử cũng như vi phạm đạo đức nhà giáo. Và trên hết, chúng ta mong muốn ngành giáo dục tới đây sẽ thay đổi cách đào tạo giáo viên, chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm, tư vấn tâm lý học đường... Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, lớp ra lớp, trường ra trường; ngành giáo dục không phải là nơi đồng tiền có thể chi phối được. Chỉ khi đưa ra những giải pháp đủ mạnh, cộng với sự chỉ đạo quyết liệt, sớm khắc phục được các hạn chế, yếu kém đó thì ngành giáo dục và vị tư lệnh ngành mới có thể củng cố được niềm tin của xã hội.
