Dư luận vẫn chưa nguôi sau vụ nhiều di tích bị xâm hại, làm mới nhưng đổ thừa là “trùng tu”. Đằng sau những vụ việc đáng tiếc này là lỗ hổng về công tác quản lý và sự thờ ơ của các cơ quan chức năng.
Chùa Trăm Gian rồi đình cổ Ngu Nhuế bị xâm hại nặng nề không phải là cá biệt! Trước đó, thành Nhà Mạc (ở Tuyên Quang) bị “hô biến” thành cái lò gạch. Ô Quan Chưởng “khoác áo mới” đúng dịp đại lễ ngàn năm của thủ đô khiến người dân “sửng sốt” với những lời giải thích kiểu đổ thừa qua lại. Nghĩ cũng lạ, người dân xây hoặc sửa lại cái nhà không phép, lập tức cán bộ địa phương đến lập biên bản vi phạm.
Vậy mà người ta huy động cả hàng chục người đến tháo dỡ để “trùng tu” chùa Trăm Gian thì ông UBND xã sở tại lắc đầu nguầy nguậy “không biết”. Đình cổ Ngu Nhuế khởi dựng từ thế kỷ XII, được trùng tu thời vua Tự Đức và được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989 - bị phá và dời sang chỗ khác dễ như dời… chậu cây cảnh.
Không “sôi sục” như Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, việc chống xâm hại di tích tại TPHCM vẫn đang đối mặt với nhiều cam go. Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phụng Sơn tự nhiều năm qua bị lấn chiếm ồ ạt, đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết căn cơ. UBND TPHCM giao địa phương giải tỏa, địa phương kêu khó vì giải tỏa đến 123 hộ dân. Di tích lịch sử quốc gia Xưởng cơ khí Ba Son, ụ tàu lớn và các công trình liên quan – nơi gần như duy nhất còn giữ lại những chứng tích vật chất sự hình thành và phát triển của công nghiệp đóng tàu VN (thế kỷ XVIII), cái nôi phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn, ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhưng trong quy hoạch xây dựng Khu trung tâm kinh tế thương mại phức hợp, người ta lại đề ra cách bảo tồn lạ đời: thu nhỏ xưởng cơ khí, phá bỏ ụ tàu làm thành… mô hình và chụp ảnh, làm phim tư liệu để trình chiếu khi người dân đến tham quan nơi đây!?
Lâu nay, việc khiển trách, cảnh cáo những nơi và cá nhân để xảy ra tình trạng xâm hại di tích như “nước đổ đầu vịt”. Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2009 nhưng dường như bao năm qua vẫn chưa lan tỏa sâu rộng và có hiệu quả thiết thực trong cuộc sống thực tế. Nếu vậy thì thiệt hại này còn di hại đến đời sau?
Minh An