Chỉ trong hai ngày nghỉ cuối tuần, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương (Hà Nội) phải tiếp nhận một lượng rất lớn phụ huynh từ Bắc Ninh, có đến hơn 1.500 người đến đăng ký, đưa con mình xuống xét nghiệm có hay không bị nhiễm sán heo. Chiều muộn thứ bảy, hàng trăm người ngồi chật cứng hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm. Ngoài trời mưa và rét, bệnh viện phải căng bạt để che mưa cho phụ huynh và trẻ nhỏ ở khu để xe của viện. Nhiều người còn vật vạ nằm, ngồi dọc hành lang, cầu thang, nền nhà để được nhận kết quả… Thông thường, mỗi ngày viện chỉ tiếp nhận xét nghiệm vài chục trường hợp, vậy mà ngày thứ bảy làm không xuể, đến chủ nhật, phải tăng ca xét nghiệm, đông chưa từng thấy. Cha mẹ nhìn con đau xót, rơi lệ, chỉ biết nuốt vào lòng, không biết than trách ai bây giờ.
Trong số 1.500 trẻ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh làm xét nghiệm, dù chưa có toàn bộ kết quả nhưng hiện đã có đến hơn 130 trẻ dương tính với sán heo. Con số chấn động! Chấn động không chỉ riêng trong cộng đồng phụ huynh có con học tại các trường ở Thuận Thành mà lan ra cả tỉnh Bắc Ninh và có thể lan ra cả nước nếu người ta cứ xem thường. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu cơ quan điều tra phải vào cuộc ngay.
Có thể tóm gọn vụ việc như sau: Từ cuối tháng 2, clip ghi lại hình ảnh món thịt heo nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt. Một phụ huynh thấy con bị sốt cao nên đưa đi khám, kết quả cháu bé dương tính với sán heo. Ngay sau đó, 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán heo. Trưa 5-3, Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) bị phát hiện sử dụng thịt gà hôi thối nấu ăn cho trẻ và công an địa phương đã tiến hành lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm. Hiệu trưởng Cao Thị Hòe nhận trách nhiệm và khẳng định phía doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường Mầm non Thanh Khương từ năm 2018 đến nay là Công ty TNHH Hương Thành. Công ty này còn cung cấp cho 19 trường khác trong huyện Thuận Thành.
BS Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết, đối với người trưởng thành, nếu bị nhiễm sán thì việc điều trị rất đơn giản, bệnh nhân được bác sĩ kê thuốc uống một lần để tiêu diệt sán. Tuy nhiên, nếu nhiễm ấu trùng sán, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là sán ký sinh ở da, cơ, não. Chúng có thể tồn tại trong cơ thể người rất lâu. Khi đó, người bệnh sẽ phải điều trị làm nhiều đợt, mỗi đợt thường kéo dài 21 ngày. Trẻ có xét nghiệm ELISA dương tính với sán heo sẽ phải tiến hành thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ và xác định bị nhiễm ấu trùng hay sán trưởng thành. Muốn biết ấu trùng sán có ký sinh ở não hay không, người bệnh phải chụp CT hoặc cộng hưởng từ; quá trình điều trị sẽ tốn thời gian dài.
Trong lúc ngành y tế còn đang đau đầu với tình trạng anti-vaccine, với dịch sởi, dịch cúm, thì nguy cơ hàng loạt mầm bệnh khác đang đe dọa người dân cả nước. Thật khó giải thích với người dân khi tỷ lệ tiêm vaccine ComBe Five làm chết người vẫn còn cao, khiến chương trình tiêm chủng gặp không ít trở ngại; dịch sởi gia tăng, lan rộng vì người dân không đưa con đi tiêm chủng. Nhiều loại bệnh mà nước ta công bố đã loại trừ nhiều năm qua giờ lại ngấp nghé, chực chờ quay trở lại. Tình trạng thức ăn bẩn nhan nhản khắp nơi, cho đến các dịch bệnh trên đàn heo, gia súc, gia cầm vẫn không khoanh vùng được, đang lan ra nhiều địa phương.
Việc giữ gìn sức khỏe trước hết là của mỗi người dân và chuyện đảm bảo sức khỏe người dân trước dịch bệnh là trách nhiệm của ngành y tế. Để dịch bệnh lây lan, người dân còn khổ với bệnh thì rõ ràng là ngành y tế chưa làm tròn trách nhiệm. Nhưng, lại là nhưng, thực tế cho thấy công tác quản lý an toàn thực phẩm còn bất ổn. Nhiệm vụ của địa phương là không để lây lan dịch bệnh, kiểm soát thực phẩm an toàn, nhưng làm chưa xong. Nhiều địa phương phía Bắc chưa quyết liệt trong ngăn chặn dịch tả heo châu Phi; các địa phương Đông Nam bộ chưa dập được dịch lở mồm long móng trên gia súc. Cụ thể, trong chuyện nhiễm sán heo ở Bắc Ninh, trường mầm non chịu trách nhiệm chính, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm bẩn phải chịu trách nhiệm nặng, thậm chí phải khởi tố hình sự để xử phạt nghiêm, răn đe không để xảy ra trường hợp tương tự. Điều 317 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ về tội vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm; trong đó “hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm đó không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm”. Và, như vậy, các cơ quan chức năng huyện Thuận Thành, nhất là cơ quan đảm bảo an toàn thực phẩm, phải chịu trách nhiệm liên đới khi không chỉ ở trường mầm non trên, mà học sinh của gần 20 trường khác cũng chịu hậu quả bởi thực phẩm bẩn.
Thực phẩm bẩn để lại hậu quả lâu dài, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Để con trẻ bị nhiễm độc mà không có biện pháp ngăn chặn ngay từ bây giờ chính là gây tội ác cho mai sau!