Đừng gọi sân khấu là quá khứ

Năm 2019 có thể nói là một năm có nhiều chuyện không vui với làng sân khấu kịch TPHCM, khi một số nghệ sĩ gạo cội bệnh nặng và qua đời. Cuối năm, làng kịch TP lại nhận thêm tin không vui khi bà bầu Hồng Vân sau rất nhiều cố gắng đã chính thức đóng cửa Sân khấu Kịch Superbowl. Sân khấu Kịch Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh và sân khấu kịch Rubik trước đó cũng nói lời chia tay khán giả tại điểm diễn quen thuộc của mình. Trong lúc đó, bà bầu Mỹ Uyên vẫn vất vả chèo chống đưa con thuyền Nhà hát Kịch 5B đi trọn một năm với nhiều khó khăn và nỗi niềm. Hai nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội cũng phải cố gắng rất nhiều để duy trì hoạt động của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh… 

Kịch đã vậy, cải lương cũng không ngoại lệ. Dự án đưa cải lương đến gần khán giả bằng cách phục vụ miễn phí suất hát bị nhiều nghệ sĩ phản đối… Cải lương vẫn khắc khoải tìm đường đến với khán giả nhưng có vẻ vẫn chưa có con đường nào tạo được lối mở rõ rệt và dài hơi.

Hát bội suốt năm 2019 im ắng như vài năm nay. Không có vở mới được dàn dựng, nghệ sĩ vẫn chật vật với nghề, thậm chí nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề, lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa đang bị khủng hoảng. Một dự án đưa hát bội đến với du lịch bằng cách diễn tuồng không lời Sanh vi tướng, Tử vi thần và một vài dự án đưa hát bội vào trong trường học vẫn không đủ khuấy động bầu không khí vốn đã quá im ắng của loại hình nghệ thuật này.

Điểm chung nhất của sân khấu ở cả ba loại hình nghệ thuật được nhiều người trăn trở vẫn là không có kịch bản hay, không có điểm diễn cố định, không có điều kiện đầu tư về vật chất như mong muốn, nghệ sĩ không tập trung cho sân khấu, bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình giải trí khác…

Tuy nhiên, dù có nhiều khó khăn, sân khấu vẫn đang “vẫy vùng, xoay trở” để tồn tại. Nhà hát Kịch 5B, Thế Giới Trẻ liên tục ra mắt vở mới để bổ khuyết sự “chưa đã” trong chất lượng nghệ thuật. Hoàng Thái Thanh, Idecaf vẫn cố gắng chỉn chu, trau chuốt nhất trong từng tác phẩm đến với công chúng. Kịch Sài Gòn với sự hết lòng của anh em nghệ sĩ vẫn quyết tâm bảo đảm suất diễn. Hồng Hạc dù mất điểm diễn cố định nhưng đạo diễn Việt Linh vẫn tổ chức thường xuyên những suất “bán show” khá đông khán giả đến thưởng thức. Các nhóm kịch cà phê của các nghệ sĩ trẻ đều có những khán giả của riêng mình, tạo nên một “đặc sản phiên bản mi ni” cho kịch, cũng rất được khán giả ủng hộ dù vẫn đồng cảnh ngộ với sân khấu chuyên nghiệp về điểm diễn, nhân sự, kịch bản… Với tâm huyết phục hưng cải lương, nhiều vở diễn hay được phục dựng, công diễn như Đam mê và quyền lực, Lan và Điệp...

Tuy nhiên, có một vấn đề mà người làm nghề hay trăn trở: với sân khấu dù là kịch, cải lương hay hát bội, đều là “sân” của các đơn vị tư nhân hoặc cá nhân nghệ sĩ, dù phải chạy gạo ăn đong để tính toán hoạt động sao cho hiệu quả, dài hơi; dù phải “tranh nhau” những điểm đẹp như Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Thành phố, hoặc xoay lòng vòng các điểm rạp, trung tâm văn hóa… thì họ vẫn hết mình, để được sống trong bầu không khí nghệ thuật. Còn các đơn vị nhà nước, dù được rót kinh phí hoạt động nhưng khá lâu không thấy tác phẩm hay hoạt động nào nổi trội. Cuối năm, vừa nghe thành phố có chủ trương sẽ đầu tư sửa chữa lại hệ thống rạp cũ trên toàn thành phố và cho các đơn vị thuê với giá ưu đãi, giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư sân khấu, ai cũng mừng, nhưng liệu có trở thành sự thật, khi nào, ra sao… thì vẫn chờ tương lai trả lời.

Một vấn đề nhiều người làm nghề và khán giả cùng trăn trở, đó là một năm có khá nhiều chương trình, vở diễn được ra mắt, nhưng một tác phẩm xứng tầm về nghệ thuật, bán được vé, tạo sức hút lâu bền trong lòng công chúng thì ít thấy. Hai năm nay, gần như chỉ có Tiên Nga của Sân khấu Kịch Idecaf được nhắc đến như một vở diễn được đầu tư đúng mực, đậm nghệ thuật mà lại thành công về mặt doanh thu. Tuy nhiên, để vở được đến với công chúng dài hơi vẫn là sự cố gắng lớn của những người chủ trì, bởi kính phí hoạt động, việc cạnh tranh về địa điểm, nghệ sĩ bận rộn… luôn là mối lo thường trực.

Nghệ sĩ Minh Nhí tâm sự: “Sân khấu đã buồn từ nhiều năm nay, mỗi sân khấu tự bươn chải theo kiểu của mình, miễn là tồn tại được với nghề. Khán giả tìm ở sân khấu sự giải trí nhiều hơn mong đợi một tác phẩm nghệ thuật. Làm sao để sân khấu là nét son trong đời sống văn hóa thành phố, là điểm hẹn của người yêu nghệ thuật thì cần lắm sự hết lòng, hết tình của nghệ sĩ cho sân khấu và sự đồng hành của nhà nước để nghệ sĩ không đơn độc. Lúc đó, sân khấu mới thật sự sống chứ không phải tồn tại như hiện nay”. 

Một năm nhìn lại, sân khấu vẫn ngay đó nhưng bộn bề nỗi lo, nghệ sĩ vẫn phải cân đo giữa cơm áo và nghệ thuật. Sân khấu vẫn ngay đó, nhưng một chủ trương, chính sách, kế hoạch đặt ra rồi bỏ ngỏ không đủ để làm sân khấu sống lại. Nếu không hành động, rất có thể có một ngày, người ta nhìn lại và gọi sân khấu là quá khứ.

Tin cùng chuyên mục