Dư luận xã hội về việc Trường THPT công lập “tự hạch toán” Lê Quý Đôn

Đừng lấy cơ sở của nhà nước để làm tư!

P.H.N.
Đừng lấy cơ sở của nhà nước để làm tư!

Mấy ngày nay, sự kiện về việc chuyển đổi mô hình của Trường THPT Lê Quý Đôn từ công lập sang công lập “tự hạch toán” đã trở thành niềm khắc khoải, ưu tư của không ít phụ huynh học sinh, giáo chức cũng như những người dân có quan tâm đến giáo dục. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tiếp tục ghi nhận…

  • Hội nghị giáo dục tại Mặt trận Tổ quốc TPHCM

Sáng 31 – 8, hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới 2005 – 2006 do Mặt trận Tổ quốc tổ chức đã trở thành diễn đàn nóng bỏng để các đại biểu bày tỏ những “mối quan ngại sâu sắc” về mô hình công lập tự hạch toán (CLTHT) đang triển khai ở Trường THPT Lê Quý Đôn.

Đừng lấy cơ sở của nhà nước để làm tư! ảnh 1

Các phụ huynh học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn băn khoăn với sự lựa chọn 1,2... Ảnh: C.T.V.

Theo lý giải của ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, muốn được dịch vụ chất lượng cao thì phải đóng tiền. Nếu không mở ra một mô hình mới, cứ loay hoay hoài với cái cũ, “cột chân cột tay nhau”  thì những phụ huynh học sinh (PHHS) có điều kiện sẽ “mang đô la, sức lực đi chỗ khác”. Ông cho rằng mô hình này nếu làm tốt thì năm sau Trường Lê Quý Đôn sẽ chỉ còn một hệ “tự hạch toán”. Điều này không ảnh hưởng đến HS vì quận 3 còn nhiều trường.

Tuy nhiên, GS Trần Văn Tấn, Ủy viên MTTQ tỏ ra khá bức xúc: Giáo dục là ngành khoa học thực nghiệm ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, do vậy, mô hình CLTHT cần phải được nghiên cứu như là một công trình giáo dục có đề cương, phương pháp, mục tiêu và thí điểm trước khi áp dụng đại trà. GS nhấn mạnh: Chúng ta nên rõ ràng và tách bạch giữa công và tư, đừng để lẫn lộn nhiều mô hình trong một trường công của nhà nước. Nếu muốn thí điểm mô hình mới thì nên làm ở một cơ sở riêng.

Đại biểu HĐND TPHCM Đặng Văn Khoa hoàn toàn tán thành quan điểm đa dạng hóa loại hình trường lớp để đáp ứng nhu cầu xã hội, có nhiều mô hình là con đường phát triển giáo dục. Nhưng vấn đề đặt ra là thực hiện như thế nào. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Không nên có nhiều mô hình trong một cơ sở. Với mô hình đang thí điểm, làm sao tránh được phân biệt đối xử? Trước đây, dư luận lên tiếng nhiều về mô hình bán công trong trường công… 

Trong triển khai cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ phía nhà trường (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên), lẫn PHHS (nguyện vọng, khả năng). Mô hình ở Trường Lê Quý Đôn chúng ta làm vội quá! PHHS đăng ký học ở trường đâu biết trường sẽ chuyển qua mô hình công lập tự hạch toán. Trong khi đó, chỉ cho PHHS vài ngày để quyết định một chuyện có liên quan và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Gọi thẳng mô hình mới là “thương mại hóa giáo dục”.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM nói: “Ngay cả nội bộ trường, giáo viên cũng rối với mô hình 3 trong 1: công lập, bán công, lĩnh vực 1, 2 huống hồ là phụ huynh. Công lập được nhà nước đầu tư nên giảng dạy phải có chất lượng. Đừng để sự lẫn lộn này làm ảnh hưởng đến chất lượng công lập”. Và ông Hoàng đòi hỏi một sự bình đẳng cho hệ công lập “Không thể coi công lập không bằng hệ bán công”. Ông Ngô Đa, (Viện Khoa học - Xã hội) dứt khoát: “Đừng lấy cơ sở của nhà nước để làm tư!”.

Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh cho rằng: Không có trường công nào ở TP mà không đóng học phí. Nếu các đồng chí không ủng hộ thì thôi (!?).

  • Phụ huynh: Tương lai con đâu phải chuyện đùa!

Có mặt tại Trường THPT Lê Quý Đôn ngày 31-8  (thời hạn chót thu nhận hồ sơ đăng ký học ở các lớp theo mô hình mới), chúng tôi nhận thấy có rất đông phụ huynh vẫn cầm trên tay tờ đơn đăng ký chọn lớp để trống. Nhiều phụ huynh vẫn còn thăm dò lẫn nhau trước khi chọn lớp theo lĩnh vực. Một phụ huynh tên H. nói giọng Huế sau khi đánh dấu vào ô “lĩnh vực khác” (lớp bình thường), đã dùng bút xóa đi rồi đánh dấu lại vào ô số 1 (lớp được bảo đảm chắc chắn đậu tốt nghiệp và đại học). Khi được tham khảo, ông nói: “Nếu chọn lớp thường, rủi xảy ra chuyện “con ghẻ, con ruột” thì lại hối không kịp”.

Chiều 31-8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM đã chính thức có công văn số 374/UBMT đề nghị Thường trực HĐND, UBND TPHCM kịp thời xem xét chỉ đạo ngành GD-ĐT không tiến hành việc chuyển đổi mô hình “tự hạch toán” tại Trường THPT Lê Quý Đôn trong năm học 2005-2006 với các lý do sau: Nếu trong một ngôi trường mà có nhiều mức thu học phí khác nhau cùng với chất lượng giáo dục khác nhau sẽ dẫn tới sự phân biệt đối xử trong đội ngũ thầy cô giáo và học sinh; Việc xây dựng mô hình mới cần chọn hẳn một trường để thực hiện cho mô hình chung, đồng thời có kế hoạch cụ thể và tham khảo rộng rãi ý kiến trong nội bộ ngành, cũng như các ngành - đoàn thể có liên quan và phụ huynh học sinh, để làm cơ sở khả thi cho quá trình tổ chức thực hiện.
P.H.N.

Trong khi đó những phụ huynh khác vẫn đang rất phân vân để đi đến quyết định cuối cùng. Chị Đỗ, nhà ở Q12 than: mức học phí này chỉ người có thu nhập cao mới kham nổi, công nhân viên bình thường như tôi đành chịu dù nghe giám đốc Sở nói là chất lượng giảng dạy ở lớp lĩnh vực 1 và 2 rất cao so với lớp thường. 

Chị Thanh Tâm, nhà ở đường Lý Chính Thắng, Q.3 sau khi nộp đơn với lựa chọn lớp thường cũng xuýt xoa: “Mất ăn mất ngủ mấy ngày liền chị ạ. Nộp đơn xong mà tôi vẫn cứ run. Tương lai con trong 3 năm chứ đâu phải chuyện đùa!”. Lý do khiến nhiều phụ huynh phân vân trong lựa chọn là học phí cao ngất như vậy nhưng chất lượng học tập có thật sự tốt không, HS sẽ học được gì ở chương trình này, giáo viên tham gia giảng dạy là những ai, cách học như thế nào, chương trình học có đảm bảo sức khỏe cho các cháu không, thi cử ra sao...

Một học sinh nữ vừa mới trúng tuyển vào trường (đề nghị xin không nêu tên) cho rằng ở những lớp tự chọn học sinh bán công và học sinh công lập sẽ cùng học với nhau là một bất công, trong khi các em học sinh trúng tuyển chính thức có điểm rất cao và thậm chí đã thi đậu vào lớp chuyên nay chỉ cần có tiền là ranh giới năng lực học tập của các em bị xóa và cách chọn 4 nguyện vọng của Sở GD-ĐT không còn tác dụng. Chị Thanh Tâm tiếp lời: “Đây là trường công lập. Các cháu phải thi điểm cao mới được vào học thì quyền lợi học tập của HS phải được như nhau. Không thể có chuyện người có tiền mới được nhà trường dạy tốt”.

HỒNG LIÊN – LÂM VY

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận:
Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo trường dừng lại

Chiều tối 31-8, PV báo SGGP đã phỏng vấn nhanh Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về vấn đề đang là tâm điểm của dư luận này.

- PV: Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của Bộ GD-ĐT về mô hình trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ của Trường THPT Lê Quý Đôn?

- Thứ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Tôi chưa được báo cáo bất kỳ thông tin gì về việc Trường THPT công lập Lê Quý Đôn tiến hành xây dựng thành trường công lập tự hạch toán. Chiều nay, tôi có hỏi anh Minh (Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh - PV) thì được thông tin lại, đây là chủ trương của Sở nhưng chưa có đề án và chưa có sự phê duyệt của UBND TP. Thông báo của Trường Lê Quý Đôn mới dừng ở mức thăm dò. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vấp phải sự phản ứng của một số phụ huynh học sinh và dư luận nên Sở đã chỉ đạo trường dừng lại, không triển khai trong năm học này để xây dựng đề án hoàn chỉnh.

- Trên thực tế, thông báo của trường yêu cầu phụ huynh học sinh phải chọn lựa ngay lĩnh vực, từ ngày 29-8 đến ngày 31-8 thu nhận hồ sơ tự chọn của phụ huynh và trên thực tế cũng đã có vài trăm trường hợp đăng ký; như vậy làm sao có thể gọi là thăm dò được?

- Cái đó thì tôi không rõ, vì tôi không ở TP Hồ Chí Minh.

- Thưa Thứ trưởng, mức học phí mà Trường Lê Quý Đôn đưa ra liệu có hợp lý, trong khi nội dung giảng dạy chỉ là tăng tiết một số môn Toán, Anh... và cơ sở vật chất thì chưa có sự đầu tư tương xứng?

- Bây giờ Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh bảo dừng rồi, tôi không có bình luận gì thêm.

- Thưa Thứ trưởng, về nguyên tắc, việc xây dựng mô hình trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ (theo Nghị quyết 05 của Chính phủ) thì phải có đề án và phải được sự phê duyệt của cấp trên?

- Đúng, ở trong trường hợp này, UBND TP là đơn vị phê duyệt đề án của Trường THPT Lê Quý Đôn. Đề án này cũng cần được báo cáo Bộ GD-ĐT nhưng theo tôi được biết, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng chỉ mới bắt tay vào xây dựng đề án này và tôi cũng chưa được biết “mặt mũi” của nó ra sao.

- Xin cám ơn Thứ trưởng.

VIỆT LAN thực hiện

Ý kiến các chuyên gia

  • Th.s Trần Đình Lý (ĐH Nông Lâm TPHCM): Không được đưa vào thế đã rồi

 Có người thích học lớp có 20 - 30 người, thậm chí 10 người/lớp, có máy lạnh, tiện nghi đầy đủ và sẵn sàng trả chi phí cao, nhưng cũng có người muốn trả chi phí vừa phải và dĩ nhiên trên lý thuyết thì chất lượng cũng chỉ đáp ứng vừa phải. Sự phân khúc này là điều tất yếu. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu phong phú đó, các cơ sở GD-ĐT phải có kế hoạch dài hạn, có lộ trình và cần thông báo trước và sớm cho “khách hàng”. Nghĩa là hai bên phải có khế ước với nhau, không được đưa “khách hàng” vào thế đã an bài.

  • Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo ( ĐHSP TPHCM): Mô hình này vi phạm ghê gớm nguyên lý giáo dục

Thật đáng buồn là ngành GD-ĐT lại sáng tạo mô hình tư thục trong công lập như thế này. Mô hình này không chỉ vi phạm ghê gớm nguyên lý giáo dục, mà thực tế còn là luyện thi trong trường phổ thông một cách hợp pháp, với cách đảm bảo học sinh sẽ đậu tốt nghiệp và đại học. Điều này, khiến người ta lo ngại, học sinh không cần chăm lo học hành, chỉ cần có tiền là giải quyết được. Và giáo viên lại rất vất vả vì sự ràng buộc trách nhiệm với nhà trường. Hãy làm như các nước: công – tư rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục