Trong bản tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực vừa được trình ra Quốc hội tuần qua, loại phí điều tiết điện lực đã được loại bỏ. Đây là kết quả sau những phản ứng của nhiều chuyên gia cũng như từ phía các ĐBQH tại lần thảo luận ở kỳ họp trước. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này vẫn còn nhiều loại giá, phí khác, như giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Theo nhiều ĐBQH, việc đưa nhiều loại giá, phí có thể dẫn đến giá điện bị đẩy lên cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của người dân. Do vậy, cần phải xem xét tính hợp lý của từng loại giá và phí. Không những vậy, có những loại phí, như phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và phí điều độ vận hành hệ thống điện được nhìn nhận là chưa được quy định trong các văn bản pháp luật về phí và lệ phí.
Cũng liên quan đến các loại phí, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.
Theo dự thảo, phí sử dụng đường bộ với mỗi ô tô thấp nhất 130.000 đồng/tháng lên đến 1.040.000 đồng/tháng. Đối với xe mô tô, loại có dung tích xi lanh dưới 100m³, xe máy điện mức thu từ 50.000 - 100.000 đồng/năm; loại có dung tích xi lanh trên 100m³ mức thu 100.000 - 150.000 đồng/năm.
Cùng với dự thảo này, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến đóng góp dự thảo nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Đối với nước thải sinh hoạt, mức thu phí bảo vệ môi trường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m³ nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% của giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Thời gian áp dụng các loại phí này được dự kiến trong năm 2013.
Như vậy, có thể thấy, rất nhiều các loại phí đang được các cơ quan chức năng đề xuất thu trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân, thậm chí việc tăng lương theo lộ trình năm 2013 với người làm công ăn lương khó được thực hiện thì việc đề xuất hay đưa ra một loại phí hay lệ phí nào cần hết sức cân nhắc. Bởi nếu không sẽ lại chất tiếp lên vai người dân những gánh nặng mới. Chẳng hạn, đối với phương tiện tham gia giao thông (ô tô, mô tô) thì có thể thấy hiện nay đang phải chịu rất nhiều các loại phí, như trước bạ, đăng ký và cấp biển số... Nếu thêm các loại phí khác đang được đề xuất như phí sử dụng đường bộ, phí môi trường, phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm... thì mỗi năm gánh nặng tài chính sẽ đổ rất lớn lên đầu người dân. Và xét một cách sâu xa, việc thu quá nhiều loại phí như vậy sẽ làm hạn chế các loại phương tiện cá nhân và góc độ này lại giống như thuế tiêu thụ đặc biệt.
Xét về bản chất, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Điều đó có nghĩa là những khoản tiền đó được nộp nhằm mục đích mang đến một dịch vụ cung cấp tốt. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức việc đưa ra các loại phí để thu nhưng người dùng lại không được hưởng dịch vụ một cách tốt nhất là điều hết sức vô lý. Chẳng hạn với phí sử dụng đường bộ. Đây là khoản thu đã được đề ra trong danh mục tại Pháp lệnh phí và lệ phí. Tuy nhiên, với chất lượng nhiều công trình giao thông, đường sá kém như hiện nay, khoản phí này chỉ “làm lợi” cho những con đường được thi công ẩu mà có thể những nơi đó, nhiều người dân đóng phí ở nơi khác cả đời không đặt chân đến. Hay như việc tăng viện phí cũng là vấn đề đáng phải bàn khi chất lượng dịch vụ y tế chưa tương xứng, “vẫn y nguyên” như trước!
Một vấn đề quan trọng khác cùng với việc thu phí là cần phải công khai, minh bạch các khoản chi từ nguồn thu này và phải có biện pháp nâng cao dịch vụ cung ứng cho người dân tương ứng với đóng góp của họ. Thực hiện được điều đó mới công bằng và sòng phẳng.
Ngọc Quang