Đúng và đủ

Trong lịch sử thi tuyển sinh “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) chưa bao giờ vấn đề chung kết quả lại nóng như mùa tuyển sinh năm 2013. Các trường ngoài công lập cho rằng nên có một mức điểm sàn riêng, thậm chí bỏ điểm sàn. Các trường công lập lại cho rằng nên xây dựng điểm sàn theo khu vực hoặc phải thay đổi lại cách xác định điểm sàn cho khoa học. Vậy đâu là phương án tối ưu mà Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn?

Trong lịch sử thi tuyển sinh “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) chưa bao giờ vấn đề chung kết quả lại nóng như mùa tuyển sinh năm 2013. Các trường ngoài công lập cho rằng nên có một mức điểm sàn riêng, thậm chí bỏ điểm sàn. Các trường công lập lại cho rằng nên xây dựng điểm sàn theo khu vực hoặc phải thay đổi lại cách xác định điểm sàn cho khoa học. Vậy đâu là phương án tối ưu mà Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn?

Kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 có nhiều vấn đề đáng báo động: hơn 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập chỉ có một phần nhỏ các trường tuyển đủ hoặc gần đủ chỉ tiêu; phần lớn các trường còn lại chỉ tuyển được 30%-60%, có trường tuyển dưới 30% và thậm chí có trường không tuyển được thí sinh nào. Nhiều trường đại học địa phương và một số ngành học cũng vất vả không kém. Trước kết quả đáng buồn này, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập liên tiếp tổ chức các hội thảo, hội nghị “nóng” để tập hợp ý kiến và chính thức kiến nghị lên Thủ tướng. Trong đó, kiến nghị nóng nhất là bỏ điểm sàn và để các trường tự tổ chức tuyển sinh theo Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.

Có thể nói, từ khi có điểm sàn (năm 2004) đến nay giới chuyên môn đều thừa nhận điểm sàn không có tính khoa học và chưa tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, vì sao kết thúc tuyển sinh năm 2012 điểm sàn lại được cho là nguyên nhân chính khiến các trường không tuyển sinh được? Trước hết, việc xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT chưa khoa học (dựa trên tổng chỉ tiêu rồi dựa trên kết quả khối thi để xác định điểm sàn…), chưa tính cả hiện tượng ảo, năng lực của thí sinh ở từng môn thi. Thế nhưng sau khi công bố điểm sàn, Bộ GD-ĐT luôn khẳng định nguồn tuyển không thiếu! Bên cạnh đó, việc cải tiến một số khâu trong tuyển sinh năm 2012 thực chất là làm rối và phức tạp trong khâu xét tuyển sau nguyện vọng 1 (nguyện vọng bổ sung) cũng góp phần làm cho các trường không tuyển sinh được.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất nằm ở việc xác định chỉ tiêu, mở ngành. Năm 2012, Bộ GD-ĐT để các trường tự xác định chỉ tiêu theo Thông tư 57 (dựa trên tỷ lệ sinh viên/giảng viên (cơ hữu) và diện tích sử dụng). Quy định này dường như là cơ hội để các trường vô tư “kê khống” các điều kiện để xin mở ngành, có thêm chỉ tiêu. Ngoài ra, trong lúc các trường đang xét tuyển, Bộ GD-ĐT liên tục cấp phép cho các trường mở ngành mới để hút thí sinh… Và hệ quả tất yếu là kết quả thanh tra công tác tuyển sinh 30 trường ĐH-CĐ trong năm 2012 thì có đến 22 cơ sở đào tạo (từ công lập đến ngoài công lập) đều tuyển vượt chỉ tiêu, xác định chỉ tiêu vượt năng lực đào tạo. Như vậy, có đến hơn 2/3 các trường thanh tra đều vi phạm trong tuyển sinh. Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Nếu bộ thanh tra hết hơn 400 trường ĐH-CĐ trên cả nước thì số trường vi phạm về tuyển sinh mà trong đó phần lớn là xác định chỉ tiêu, tuyển vượt, mở ngành không đủ điều kiện sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm? Câu hỏi này có thể bộ là người biết rõ nhất!

Như vậy, kiến nghị yêu cầu bỏ điểm sàn là điều không thể. Đồng thời, việc các trường yêu cầu tự tổ chức tuyển sinh, xét tuyển hoặc vừa tổ chức thi và xét tuyển trong năm 2013 là hoàn toàn không thể. Bởi lẽ, kỳ thi liên quan đến cả triệu thí sinh nếu chưa có phương án tối ưu (sau 2015) mà để trường nào muốn thì tổ chức thi riêng, còn trường nào không muốn thì thi “3 chung” chắc chắn không chỉ kỳ thi sẽ rối càng thêm rối mà quyền lợi thí sinh sẽ bị ảnh hưởng.

Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 giải pháp tình thế chỉ có thể nên tính toán lại vấn đề điểm sàn sao cho khoa học để xác định năng lực thí sinh. Còn vấn đề bỏ thi “3 chung” sau năm 2015, ngay từ lúc này, Bộ GD-ĐT nên tổ chức diễn đàn rộng rãi để tiếp nhận những đóng góp và phương án của các chuyên gia may ra mới có được phương án tối ưu được giới chuyên môn và xã hội đồng thuận. Song song đó, bộ cũng cần siết chặt lại khâu mở ngành, cấp chỉ tiêu, tăng cường công tác thanh tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục