Bộ Y tế tiếp tục cảnh báo:

Dương tính với virus cúm tuýp A tăng

Ngày 17-8, TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính với virus cúm tuýp A đang tăng, dẫn đến khả năng tái tổ hợp của virus cúm là rất cao.

Cùng ngày Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo quốc gia về cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thông tin tại đây cho hay, hệ thống cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh của Việt Nam đã được kết nối với hệ thống cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh của Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia trong khu vực.

Bộ GT-VT vừa có công điện khẩn yêu cầu các Cục quản lý vận tải chuyên ngành, các Sở GTVT, Sở GTCC triển khai quy định: tuyệt đối cấm vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên các phương tiện vận chuyển khách công cộng.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đến ngày 17-8, có thêm: Long An, Điện Biên, Hà Giang, Đồng Tháp có xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng. Hiện nay, toàn quốc có 120 xã của 53 huyện thuộc 13 tỉnh dịch chưa qua 21 ngày. Số gia súc mắc bệnh trong 21 ngày qua là 5.203 trâu, bò và 542 lợn.

Theo Trung tâm Thú y vùng Cần Thơ, tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn gia cầm đợt 1 ở ĐBSCL đạt hơn 80%. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ tiêm phòng ở một số nơi rất thấp. Cụ thể, tại Bến Tre, đợt 1 vừa qua chỉ có 67,3% số gia cầm trong tổng đàn được tiêm phòng, riêng đàn vịt chỉ có 56,6%. Tại Đồng Tháp việc tiêm phòng mũi 2 (đợt 1) hầu như chưa thực hiện. Cuối tháng 8-2006, các địa phương sẽ đồng loạt tiêm vaccine phòng dịch cúm gia cầm (CGC) đợt 2. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine sẽ phức tạp và khó khăn sẽ nhiều hơn, vì đây là thời điểm lũ chính vụ, rất khó kiểm soát đàn vịt chạy đồng.

Về trường hợp đàn thủy cầm 50 con vịt, ngan ở Bến Tre phát hiện dương tính với H5N1 phải tiêu hủy mới đây, theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT),  Trung tâm Thú y vùng TPHCM đã lấy mẫu Swab (mẫu phân) ngẫu nhiên trên đàn thủy cầm khỏe mạnh và phát hiện dương tính với virus cúm H5. Việc phát hiện virus dương tính trên đàn thủy cầm này không phải là kết quả bất thường vì mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong vùng trước đây đã có dịch.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả xét nghiệm 2 ca nghi nhiễm cúm A H5N1 vừa qua tại Kiên Giang và Hậu Giang tuy âm tính với virus này nhưng cũng có thể là virus H5N1 đã biến đổi, hoặc tái tổ hợp gen, tạo ra một loại virus cúm nào đó không phải là H5N1 mà kỹ thuật xét nghiệm hiện nay chưa phát hiện được.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục