Bức tranh kinh tế - xã hội và tình hình ngân sách quốc gia năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 đã được phác họa khá rõ với hai báo cáo của Chính phủ được trình bày tại phiên họp UBTVQH hôm qua 20-4: Báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012 và Báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2012.
Nhiều thách thức, kinh tế vẫn chuyển biến tích cực
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong số 22 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 2011, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với số ước tính đã báo cáo với Quốc hội như tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ nhập siêu; tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý… Nhập siêu cả năm 2011 đạt 9,84 tỷ USD, bằng 10,16% tổng kim ngạch xuất khẩu; thấp hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm và số đã báo cáo Quốc hội. Đáng lưu ý, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước, tổng vốn đầu tư phát triển, chỉ số giá tiêu dùng, diện tích sàn nhà ở đô thị, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
|
Về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2012, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đi đôi với việc triển khai kế hoạch năm 2012, các cấp, các ngành đã nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thu ngân sách năm 2011 đạt 704.267 tỷ đồng, vượt 18,4% so với dự toán và tăng 29.767 tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội. Bội chi ngân sách 4,9% GDP, đã giảm rất nhiều so với mức 5,8% của 2010 và thấp hơn mức 5,3% kế hoạch. Dư nợ công bằng 52,9% GDP; dư nợ Chính phủ 41,9% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia 41,1% GDP; đều nằm trong các giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, tình hình vẫn đang nổi lên những khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế quý 1 chỉ đạt 4%, thấp hơn so cùng kỳ và quý 4 năm 2011. Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp tăng chậm, lượng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn bức xúc.
Về tài chính – ngân sách, thực hiện thu ngân sách quý 1 đạt 172.770 tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán. Điều này cho thấy để đạt được mục tiêu tăng thu 5% - 8% so với dự toán được Quốc hội quyết định trong năm nay là một thách thức lớn.
Hài hòa chính sách, hỗ trợ sản xuất
Giải pháp hàng đầu vẫn là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó Chính phủ kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo hướng bảo đảm chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát năm 2012 trong mức 8% - 9%. Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả. Chủ động điều hành và kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15% - 17%. Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Nghiên cứu, áp dụng giải pháp khoanh nợ đối với số doanh nghiệp tốt, có tiềm năng phát triển nhưng đang gặp khó khăn…
Các ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đề cập đến “hai điều đáng lo nhất” về sức khỏe của nền kinh tế: trong nhiều năm nay, quý 1-2012 vừa qua có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp nhất và cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu trong một quý. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận định, tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 “đan xen giữa những kết quả đạt được là rất quan trọng nhưng những hạn chế, yếu kém cũng còn hết sức gay gắt”, thể hiện qua 9/22 chỉ tiêu không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (báo cáo tại kỳ họp thứ 2 là 6/22).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, kế hoạch năm 2012 cần được đặt trong kế hoạch tổng thể cho 5 năm, tầm nhìn 10 năm tới mà Quốc hội đã phê duyệt. “Khi bàn kế hoạch 5 năm thì Quốc hội đã quyết định chủ trương kiềm chế lạm phát dần tiến tới thấp hơn tăng trưởng, nhưng đó là từ năm 2015. Cụ thể năm 2012, lạm phát được dự kiến dưới 10%.
Để hài hòa nhiều mục đích, tôi cho rằng tăng trưởng ở mức 6% - 6,5% và CPI khoảng 9% là hợp lý”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng phân tích. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ lo ngại trước một tín hiệu rất quan trọng mà ông coi là “vấn đề lớn nhất của quý 1-2012”, đó là giảm thu ngân sách. Chủ tịch Quốc hội kết luận: “Đặt ra vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu lúc này là hơi sớm. Có tăng trưởng hợp lý thì mới tăng thu ngân sách được. Cho nên, công tác điều hành phải duy trì tăng trưởng gắn với đảm bảo đời sống và an sinh xã hội cho người dân”.
| |
Anh Thư