Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Giáo dục đào tạo và khoa học UNET phát động cuộc thi “Em yêu khoa học - Skycare” năm học 2013 - 2014 dành cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn TP.
Theo thông báo từ ban tổ chức, mục đích của cuộc thi là nhằm tạo ra sân chơi giao lưu, học tập và trao đổi kiến thức khoa học tự nhiên cho học sinh các trường tiểu học. Cách thức tham dự cuộc thi đối với học sinh lớp 1 là vẽ một bức tranh thể hiện nội dung bài học mà em yêu thích nhất trong bộ đĩa Skycare dành cho học sinh lớp 1. Đối với hai khối 2 và 3, học sinh có thể lựa chọn giữa hai hình thức vẽ tranh thể hiện nội dung bài học yêu thích nhất hoặc viết cảm nghĩ sau khi xem xong bộ đĩa Skycare dành cho lớp 2 và lớp 3. Riêng đối với khối 4 và 5, học sinh được yêu cầu viết một câu chuyện giả tưởng khoa học (không quá 1.000 từ) về một bài học yêu thích nhất qua bộ đĩa Skycare lớp 3.
Như vậy có thể thấy, dù dự thi dưới hình thức nào thì điểm giống nhau giữa các khối lớp là học sinh buộc phải xem qua bộ đĩa Skycare mới biết chủ đề tham dự. Đó là chưa kể theo quy định của ban tổ chức, bài dự thi chỉ được tính là hợp lệ khi có dán kèm tem phát hành của các bộ đĩa.
Nói cách khác, để tham gia cuộc thi, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ phải mua các bộ đĩa hình mang tên “Skycare - khoa học sống động trong mắt em” với giá 105.000 đồng/đĩa (dành cho lớp 1 và lớp 2) và 165.000 đồng/đĩa (dành cho lớp 3). Mặc dù ở nhiều lớp học, giáo viên đã mua một bộ đĩa dùng chung cho cả lớp. Nhưng khi về nhà, để tham dự cuộc thi các em vẫn phải xin ba mẹ bỏ tiền túi mua thêm các bộ đĩa tương tự chỉ để có tem dán vào bài thi. Đây được xem là một trong những hình thức kinh doanh núp bóng tổ chức cuộc thi khoa học, từng gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Điều đáng nói là sau khi có công văn thông báo phát động về cuộc thi “Khám phá khoa học cùng Skycare” vào đầu năm học 2011 - 2012, chỉ sau đó ít ngày, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (thuộc Bộ GD-ĐT) đã có văn bản gửi giám đốc các sở GD-ĐT về việc dừng tổ chức cuộc thi. Suốt một thời gian dài, trong dư luận râm ran nhiều ý kiến trái chiều về mục đích, ý nghĩa thật sự của việc tổ chức một sân chơi khoa học cho học sinh. Song, không hiểu vì sao năm học này cuộc thi lại tiếp tục được phát động?
Ngoài ra, theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, mục đích của cuộc thi là tạo ra sân chơi về khoa học nhưng hình thức tham dự như vẽ tranh hoặc viết bài cảm nhận lại nghiêng về yếu tố thẩm mỹ và văn học, không liên quan nhiều đến khoa học. Tiêu chí chấm giải hiện nay cũng hết sức mơ hồ, thiếu quy chuẩn thống nhất. “Nếu quy định chấm giải dựa trên các lượt bình chọn và nhận xét trên mạng Internet thì phải xác định rõ ai là khán giả thật sự của cuộc thi, chuẩn đánh giá thế nào cho chặt chẽ”, ông Nguyễn Hoài Chương nhận định.
Không thể phủ nhận tính tích cực trong nội dung của từng bộ đĩa, góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông, song rõ ràng sau quá nhiều khúc mắc và băn khoăn từ phía dư luận, cuộc thi vẫn chưa có những cải tiến thật sự rõ ràng. Tính thương mại, kiếm lời từ việc bán đĩa vẫn hết sức cao. Điều này làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của một cuộc thi mang tên khoa học, mà trên hết sẽ gây phiền lòng và không ít tổn thương nghiêm trọng đến tâm hồn các em, những học sinh rất muốn tham dự cuộc thi nhưng ba mẹ không có tiền mua đĩa. Một cuộc thi như thế liệu có nên tồn tại?
THANH THU