EU mâu thuẫn về hạn ngạch nhập cư

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nảy sinh những mâu thuẫn về hạn ngạch nhập cư trong bối cảnh dòng người tị nạn liên tục đổ về lục địa già dẫn đến tình trạng quá tải ở khu vực biên giới, bờ biển, gây ra tình trạng mất kiểm soát an ninh.
EU mâu thuẫn về hạn ngạch nhập cư

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nảy sinh những mâu thuẫn về hạn ngạch nhập cư trong bối cảnh dòng người tị nạn liên tục đổ về lục địa già dẫn đến tình trạng quá tải ở khu vực biên giới, bờ biển, gây ra tình trạng mất kiểm soát an ninh.

Nước đầu tiên trưng cầu dân ý về nhập cư

Theo ông Fabrice Leggeri, Giám đốc cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu Frontex, dự kiến trong năm 2016 sẽ có 1 triệu người nhập cư đổ về châu Âu nếu không có các biện pháp kiểm soát chặt hơn như hiện nay. Sau khi Anh đạt được thỏa thuận nhận quy chế đặc biệt của EU trong một số vấn đề trong đó có nhập cư, một số quốc gia khác trong khối đã bày tỏ thái độ kiên quyết hơn đối với mức hạn ngạch nhập cư được đề ra vào năm ngoái. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cảnh báo sẽ không hợp tác với các thỏa thuận của EU trong tương lai về cuộc khủng hoảng nhập cư, nếu gánh nặng không được chia sẻ công bằng giữa các nước thành viên. Hy Lạp đang đối mặt với lượng người di cư đổ về nước này ở mức kỷ lục.

Người nhập cư đến đảo Lebos, Hy Lạp

Tại Hungary, chính phủ cho biết muốn để người dân nước này tự quyết định về việc phân bổ hạn ngạch người nhập cư và tị nạn mà Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, tuyên bố Hungary sẽ là nước đầu tiên của EU tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề hạn ngạch người nhập cư. Theo ông Orban, việc tiến hành tỷ lệ phân bổ người nhập cư mà không thông qua ý kiến người dân trong nước là một sự “lạm dụng quyền lực”. Ủy ban châu Âu (EC) hiện chưa có phản ứng gì về thông báo của ông Viktor Orban.

Trong phiên họp đặc biệt diễn ra ngày 24-2, Hội đồng liên bang (Chính phủ Thụy Sĩ) đã thảo luận các vấn đề về EU, trong đó có việc triển khai sáng kiến của đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) về “chống nhập cư hàng loạt” quy định hạn chế đi lại trong Khu vực Schengen. Chính phủ Thụy Sĩ dự kiến trình kế hoạch này lên quốc hội. EU cảnh báo việc đưa ra quy định hạn chế số lượng hay áp đặt một hệ thống hạn ngạch về vấn đề này sẽ được coi là một hành động khiêu khích.

Đơn phương thực hiện giải pháp

Cũng liên quan đến vấn đề nhập cư, tại hội nghị của các nước Tây Balkan về vấn đề nhập cư tổ chức tại Vienna (Áo), các nước tham dự hội nghị (Áo, Slovenia, Croatia, Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Serbia, Macedonia, Montenegro) đã nhất trí về việc tiếp tục giảm số người nhập cư và tị nạn tiếp nhận vào khu vực Balkan. Các nước đã thống nhất về việc bổ sung lực lượng cảnh sát tới các khu vực biên giới “điểm nóng” và đạt đồng thuận về việc áp đặt các tiêu chí trong việc từ chối hoặc đăng ký tiếp nhận người nhập cư.

Người nhập cư tìm cách trèo hàng rào vượt qua biên giới Macedonia

Bộ trưởng Nội vụ nước chủ nhà Áo Johanna Mikl-Leitner tuyên bố các nước Tây Balkan đã buộc phải sử dụng đến các giải pháp của từng quốc gia, thay vì trông chờ vào một “giải pháp toàn châu Âu”. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho biết Áo đã quá tải trong việc tiếp nhận người di cư khi nhận 90.000 người trong năm ngoái và năm nay dự kiến tiếp nhận 37.500 người. Ông Kurz gián tiếp chỉ trích chính sách mở cửa của Thủ tướng Đức Merkel, cho rằng việc một nước mở cửa biên giới sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng mà chỉ làm nó trở nên nghiêm trọng hơn.

Phản ứng trước hội nghị này, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này quan ngại về việc một số nước thành viên hành động “vượt ngoài những khuôn khổ chung đã thống nhất”. Quan hệ Đức - Áo đã trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây sau khi Vienna áp mức trần tiếp nhận người tị nạn 80 người/ngày và có ngày chuyển tối đa tới 3.200 người tới biên giới với Đức, khiến nhiều nước EU lo ngại “hiệu ứng domino” dọc theo tuyến đường di cư qua khu vực Balkan.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục