EVN liên tục than “khó khăn về tài chính”

Chiều 14-9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có thông tin báo chí về tình hình sản xuất điện của toàn hệ thống trong 8 tháng năm 2022.
Nhân viên điện lực điều hành hệ thống và công suất điện lên lưới. Ảnh do EVN cung cấp

Theo báo cáo, sản lượng điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 84,57 tỷ kWh - chiếm 46,49% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. 

“Đáng chú ý, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí… tăng đột biến từ đầu năm đến nay, nên chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao, dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính” - báo cáo nêu. Trước đó, trong báo cáo tình hình 7 tháng, EVN cũng nêu nội dung tương tự. 

Theo tập đoàn này, tính tổng sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống trong 8 tháng đạt 181,92 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong đó tỷ lệ huy động từ loại hình thủy điện chiếm 34,8%; nhiệt điện than chiếm 39,4%; tourbin khí chiếm 10,8%; riêng nguồn năng lượng tái tạo chỉ đạt 24,95 tỷ kWh, giảm từ mức gần 16%-17% xuống lần lượt còn 14,4% và hiện nay là 13,7% (trong đó chiếm gần 62% là điện mặt trời, còn lại là điện gió); nguồn điện nhập khẩu chiếm chiếm 1%.

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, hiện có một số dự án đầu tư xây dựng nguồn điện, khai thác năng lượng tái tạo nhưng đang không có “đầu ra”, tiêu biểu như dự án điện mặt trời Trung Nam (Ninh Thuận). 

Cụ thể, kể từ 0 giờ ngày 1-9 vừa qua, EVN đã dừng khai thác đối với phần công suất 172,12MW trong tổng công suất 450MW của dự án này do chưa có cơ chế giá điện. 

Phía Trung Nam cho biết việc EVN dừng huy động 40% công suất dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam là không tuân thủ hợp đồng, phá vỡ cam kết về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay.

Trong khi nguồn điện năng lượng tái tạo đang thừa thì theo thông tin, Bộ Công thương và EVN đang tăng cường nhập khẩu điện (nguồn thủy điện) từ Lào về Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục