Gắn kết, tiếp tục nỗ lực cho phía trước

LTS: Ngày 6-10, Báo SGGP đề xuất cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đã chia sẻ, bày tỏ ý kiến đồng thuận, đề xuất Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm. Báo SGGP tiếp tục giới thiệu ý kiến của cán bộ tuyên giáo, cán bộ hưu trí và cựu chiến binh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn các y, bác sĩ, những người chi viện cho TPHCM phòng chống dịch Covid-19, góp phần làm giảm số ca tử vong và bệnh nặng trên địa bàn TP, ngày 8-10. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn các y, bác sĩ, những người chi viện cho TPHCM phòng chống dịch Covid-19, góp phần làm giảm số ca tử vong và bệnh nặng trên địa bàn TP, ngày 8-10. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cuộc chiến với Covid-19 là một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ và khi biến chủng Delta xuất hiện, dịch càng bùng phát nhanh, diễn biến phức tạp trong làn sóng lây nhiễm thứ tư.

Hơn 5 tháng qua cũng là khoảng thời gian TPHCM kiên cường chiến đấu với đại dịch. Đời sống người dân chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh. Hàng triệu công nhân, người lao động bị ảnh hưởng công ăn việc làm. Thật xót xa khi trong một thời gian ngắn, nhiều đồng bào đã tử vong vì Covid-19. Mỗi người ra đi là mỗi gia đình phải chia ly, cách biệt. Càng nhói lòng khi nhiều người lặng lẽ qua đời lúc còn rất trẻ. Nhiều gia đình từng người, từng người lần lượt từ biệt trong âm thầm.

 Lực lượng quân đội bàn giao hài cốt cho người thân của gia đình nạn nhân Covid-19
ẢNH: HOÀNG HÙNG

Bố, mẹ sớm về với tổ tiên đã bỏ lại hơn 1.500 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, có những thai phụ mắc Covid-19 qua đời lúc trở dạ. Ngược lại, nhiều con cháu tóc còn xanh đã ra đi, để lại hàng trăm cụ già trở thành neo đơn lúc tuổi già xế bóng... Tính đến thời điểm này (ngày 9-10), hơn 20.300 trường hợp tử vong trong cả nước, trong đó TPHCM có hơn 15.600 người đã chia tay với chúng ta trong đại dịch Covid-19.

Tất cả đã kết thành nỗi đau chung của thành phố, của cả nước!

Chia sẻ với niềm đau của đồng bào, TPHCM đã hành động bằng nhiều giải pháp để phòng chống dịch Covid-19, nỗ lực kéo giảm số ca bệnh chuyển nặng, kéo giảm số trường hợp tử vong. TPHCM đã có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công nhận là cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Số trường hợp tử vong đã và đang giảm dần. TPHCM cũng đang bước sang một giai đoạn mới.

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong cả nước đã có nhiều hoạt động tưởng niệm những đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19. Vào thời điểm này, có một lễ tưởng niệm chung, có một ngày tưởng niệm hàng năm để cùng tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19 là rất nên. Rất nhiều người đã ra đi trong vội vã, trong âm thầm không có người thân bên cạnh vì giãn cách và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Những mất mát thương đau đó cần được xoa dịu bởi sự tưởng nhớ từ hơi ấm tình thương yêu chia sẻ của chính chúng ta.

Đại dịch cũng là lúc thử thách tình yêu thương và sự dũng cảm trong mỗi chúng ta. Thực tế từ trong mất mát đau thương, tình người càng cố kết bền chặt. Nhiều hoạt động tương thân tương ái giúp đỡ các gia đình, chia sẻ với những mất mát của đồng bào. Cũng trong thương đau, chúng ta được chứng kiến sự dũng cảm nỗ lực chiến đấu của từng người, từng lực lượng - nhất là các y, bác sĩ và tuyến đầu chống dịch, với nỗ lực làm việc có khi trên 200% sức lực của mình. Nhiều người đã dũng cảm làm những việc chưa bao giờ làm, để nhanh nhất có thể, giảm bớt cho nhau những thương tổn vì đại dịch. Lễ tưởng niệm chung, ngày tưởng niệm hàng năm là những điều chúng ta chưa bao giờ làm và rất nên được làm một cách ấm áp, trang trọng để tưởng nhớ về những người đã qua đời, chia sẻ mất mát với người thân, góp phần xoa dịu những nỗi đau của người dân khi có người thân qua đời. Đồng thời, chia sẻ cảm kích, tri ân trước những hy sinh của lực lượng tuyến đầu, các y bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19.

Trong cuộc chiến với Covid-19, chúng ta rất khó có thể trở về Zero Covid-19 (không Covid-19) mà với những điều kiện hiện nay, chúng ta đã xác định sống thích nghi trong điều kiện có Covid-19. TPHCM cũng cố gắng để dịch không tái diễn trên quy mô lớn và ý thức người dân là then chốt trong thực hiện mục tiêu này.

Những tháng ngày cam go, khắc nghiệt, căng thẳng lo âu sẽ đi qua. TPHCM đang từng bước cùng cả nước mở ra một giai đoạn mới. Tưởng niệm cũng để nhắc nhau rằng chúng ta biết Covid-19 có thể đưa chúng ta vào lằn ranh sinh tử. Chúng ta cũng biết, 80% người mắc Covid-19 là không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ, có thể tự khỏi sau một thời gian chăm sóc, điều trị. Thế nên, tưởng niệm còn giúp chúng ta càng ý thức hơn về cách phòng tránh, tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bình an trước Covid-19. Cũng từ đó, cùng nâng cao ý thức tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo 5K, chủ động tạo lập một lối sống thích nghi mới trong điều kiện có Covid-19.

Những người tử vong do tai nạn giao thông được tưởng niệm thường niên tại Việt Nam và trên thế giới. Giờ đây dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, rất cần một ngày với những khoảnh khắc cùng lắng lại tưởng nhớ người đã mất trong đại dịch, an ủi, xoa dịu thân nhân vừa trải qua biến cố, đồng thời tôn vinh những tấm gương hy sinh quên mình vì sức khỏe và cuộc sống an lành của nhân dân trong đại dịch Covid-19. Cùng gắn kết trong đau buồn và cũng chính là cùng tiếp tục nỗ lực vượt qua trở ngại khó khăn, thách thức, luôn dũng tiến về phía trước.

Ông HOÀNG THỌ DIÊU, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh quận 1, TPHCM:

Làm nguôi ngoai sự mất mát của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ

Có thể nói, trong đợt dịch Covid-19, đồng bào và lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch của TPHCM đã chịu sự mất mát rất lớn. Cho nên, việc lấy một ngày tưởng niệm để ghi nhớ sự hy sinh của y bác sĩ, lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch và đồng bào tử vong là rất cần thiết. Hiện nay, người dân mong muốn và ủng hộ việc Nhà nước chọn một ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Bởi việc này giúp làm nguôi ngoai sự mất mát của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ. 

Gắn kết, tiếp tục nỗ lực cho phía trước ảnh 2

Bên cạnh việc lấy một ngày tưởng niệm, theo tôi, Nhà nước cần xây dựng bia tưởng niệm, tượng đài để người dân có chỗ viếng thăm nhằm nhắc nhớ về những tháng năm xảy ra đại dịch. Việc xây dựng bia tưởng niệm, tượng đài, các cơ quan chức năng cần tính toán tránh phô trương; sao cho phù hợp với không gian kiến trúc tổng thể của thành phố nhưng vẫn thể hiện lòng tôn kính, sự tri ân với cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tạo sự an ủi với các gia đình có người thân mất trong đại dịch Covid-19. Về ngày tưởng niệm, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu thời kỳ cao điểm của đỉnh dịch, có số lượng người tử vong cao.

Ông ĐÀO ĐỨC THẮNG, cán bộ hưu trí, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM:

Có một ngày tưởng niệm là rất ý nghĩa

Ngay khi Báo SGGP đề xuất có ngày tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19, tôi và các hưu trí rất quan tâm tới vấn đề này.

Chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của các tầng lớp khác nhau, đa số mọi người đều cho rằng việc tưởng niệm là rất có ý nghĩa. Chúng tôi có chung cảm xúc và ý nghĩ có ngày tưởng niệm hàng năm đồng bào đã tử vong trong đại dịch là ý nghĩa rất lớn, mang đậm tình cảm dân tộc, nghĩa đồng bào đối với những người đã không may mắn qua đời. Đồng thời, cũng là dịp chúng ta ghi nhận và tri ân sâu sắc đến các lực lượng phòng chống dịch, trong đó không thể không nhắc đến lực lượng vũ trang và các y tá, bác sĩ, điều dưỡng. Họ đã hy sinh cao cả và thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Gắn kết, tiếp tục nỗ lực cho phía trước ảnh 3

Với ý nghĩa sâu sắc như thế, riêng bản thân tôi ủng hộ đề xuất của Báo SGGP. Tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo TPHCM sớm chuyển hóa nguyện vọng của người dân, sớm có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Toàn Đảng, toàn dân có tiếng nói chung là chúng ta càng thêm đoàn kết, chung lòng, để lại giá trị quý giá cho mai sau.

ĐÌNH LÝ - MẠNH HÒA ghi

Tin cùng chuyên mục