Gánh nặng của Mỹ từ các cuộc chiến

Vào lúc Mỹ chuẩn bị tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11-9, Đại học Brown (Mỹ) công bố nghiên cứu mang tên Costs of war (tạm dịch: Những phí tổn chiến tranh) và kết luận với 8.000 tỷ USD, cái giá của cuộc chiến chống khủng bố quá lớn nhưng không mang lại thành công như mong đợi.
Lính Mỹ chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Afghanistan
Lính Mỹ chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Afghanistan

Theo các chuyên gia của Đại học Brown, 8.000 tỷ USD do Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đảm nhiệm. Tiền này vừa dùng cho chi phí chiến tranh trên các mặt trận từ Trung Đông tới Nam Á, châu Phi trong mục tiêu chống khủng bố, vừa để bảo đảm chăm sóc các cựu chiến binh trở về và tăng cường an ninh nội địa, cũng như trang trải lãi suất ngân hàng khi chính quyền liên bang phải đi vay.

Nghiên cứu ghi nhận phí tổn thuần túy về quân sự của Mỹ tại Iraq và Syria đã lên tới 2.100 tỷ USD trong 20 năm qua. Với châu Phi, con số này là 355 tỷ USD. Số tiền đổ vào Afghanistan là 2.260 tỷ USD. Ngày 31-8 vừa qua, khi mà phong trào Taliban tiếp quản sân bay Kabul, các phương tiện truyền thông đồng loạt tổng kết cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ cướp đi sinh mạng của 2.400 lính Mỹ, làm hơn 20.000 quân nhân bị thương. Pascal Boniface, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) của Pháp, lưu ý, Mỹ đã tốn kém rất nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, nhưng hiệu quả mong đợi không bao nhiêu, ngoại trừ thành tích tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.

Dù đã tiêu tốn 20 năm cho chiến tranh ở Afghanistan, nhưng quốc gia Tây Nam Á này tiếp tục là “cái hòm không đáy” đeo đuổi Mỹ trong hàng chục năm nữa. Theo nghiên cứu của Đại học Brown, bên cạnh số tiền 2.260 tỷ USD đã vĩnh viễn tan vào hư không, trong những thập niên sắp tới, các phí tổn dành cho các quân nhân từng phục vụ ở Afghanistan và Iraq sẽ tăng thêm từ 600-1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, con số khiến độc giả giật mình hơn cả chắc chắn là thẩm định của Đại học Brown về 6.500 tỷ USD tiền lãi mà Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục phải thanh toán cho các chủ nợ từ nay đến năm 2050. 

Ngoài các chủ nợ, thành phần hưởng lợi thứ hai là các tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận trong 20 năm qua đã cấp gần 90 tỷ USD trang thiết bị quân sự cho quân đội Afghanistan, đào tạo cho một đội quân hơn 300.000 lính. Nhưng khi Taliban tràn vào Kabul, đội quân hùng hậu đó đã kháng cự yếu ớt. Tờ Le Monde của Pháp trích dẫn nhiều nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho hay, các chính quyền Kabul qua nhiều thời kỳ liên tiếp đã “thổi phồng quân số” để nhận viện trợ của Mỹ. Có ít nhất 46 binh đoàn “ma” với tổng số 36.800 quân nhân chỉ có tên trên giấy tờ. Đó là chưa kể những người lính nhận tiền của chính phủ nhưng chỉ trung thành với Taliban.

Năm 2019, tờ Washington Post nhắc lại 3 đời tổng thống Mỹ liên tiếp là George Bush, Barack Obama và Donald Trump cùng cam kết sẽ không sa lầy vào hồ sơ tái thiết Afghanistan. Nhưng theo điều tra của tờ báo này, từ năm 2001-2019, Washington đã giải ngân 133 tỷ USD giúp các chính quyền liên tiếp tại Kabul xây dựng lại hệ thống hành chính, tái thiết kinh tế, tăng cường an ninh...

Theo Washington Post, chính quyền Afghanistan do Mỹ dựng lên tham nhũng, bất tài, phải lệ thuộc vào sự hiện diện quân sự của Mỹ. Chính thất bại đó đã giải thích vì sao công luận Afghanistan “không ưa” các lực lượng nước ngoài. Nhà địa chính trị học Didier Billion của IRIS trong bài nghiên cứu công bố hôm 21-8 đưa ra 2 con số cụ thể: tỷ lệ nghèo khó tại Afghanistan đang từ 34% năm 2007-2008 nhảy vọt lên thành 54% trong 10 năm sau đó; 1/3 trẻ em không được cắp sách đến trường. Cả 2 chỉ số này là yếu tố đưa Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan.

Tin cùng chuyên mục