
Không chỉ các em học sinh người dân tộc thiểu số ở Gia Lai mà các đạo diễn, diễn viên cũng rất xúc động khi họ gặp nhau ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Gia Lai, giữa lúc Đại hội Đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên đang diễn ra trên chính mảnh đất của núi rừng hùng vĩ này.

Các diễn viên điện ảnh giao lưu với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Gia Lai.
Ảnh: AN DUNG
Tuần lễ phim Việt Nam tại Gia Lai đã thu hút rất đông khán giả, trong đó có hàng chục ngàn lượt khán giả trẻ đến với gần chục bộ phim trình chiếu: Đất nước đứng lên, Chim phí bay về cội nguồn, Hà Nội mùa đông năm 1946; Giải phóng Sài Gòn, Tiếng cồng định mệnh, Đường thư, Chiến dịch trái tim bên phải, Gió thiên đường, 2 trong 1…
Chương trình bắt đầu bằng ca khúc Chuyện tình trên thảo nguyên của Trần Tiến qua giọng của I Zắc và I Kim, hai diễn viên trong phim Đất nước đứng lên và Chim phí bay về cội nguồn. Đạo diễn – diễn viên Ngô Quang Hải, người thể hiện vai “bộ đội Cầm” trong phim Đất nước đứng lên đã nói: “Khi đến thăm công trình Thủy điện Sê San và khi “lạc” giữa âm thanh tưng bừng của lễ hội cồng chiêng, tôi có cảm xúc rất lạ và mãnh liệt trước sức mạnh của vẻ đẹp hùng vĩ và hoang dã của Tây Nguyên.
Tôi sẽ sắp xếp thời gian để quay lại Tây Nguyên, làm một bộ phim về vùng đất vừa lạ, vừa đẹp vừa hấp dẫn này”. Hội trường với những tiếng cười và những câu hỏi rất thật thà của các em học sinh dân tộc dành cho các diễn viên yêu thích của mình: Tuấn Tú (phim Đường thư), Hải Yến (phim Chuyện của Pao), quay phim Lê Quốc Hùng (xưởng phim Tài liệu Trung ương), I Kim (phim Chim phí bay về cội nguồn)…
Buổi giao lưu càng lúc càng gần gũi và sôi động hơn. Diễn viên Mai Thu Huyền trong bộ phim truyền hình nhiều tập Ngọn nến lung linh nhận nhiều câu hỏi giao lưu nhất. Còn Lưu Hà (diễn viên trẻ trong bộ phim Đường thư và Đường đời) đã được các em phát hiện khi cô bước vào hội trường bằng tên gọi khác - “Chị thời tiết”. Hoài Nam đến với giao lưu trong vai chiến sĩ tự vệ của phim Hà Nội mùa đông 1946, nhưng các em lại chỉ gọi “anh cảnh sát hình sự ơi”…
Nhiều học sinh Trường Dân tộc nội trú Gia Lai, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai hỏi diễn viên Tiến Hợi: “Khi đóng vai Bác Hồ, anh có thấy khó không?”. “Rất vinh dự khi được đạo diễn chọn giao vai Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, nhưng tôi rất lo lắng khi nhận vai bởi tôi biết, ai trong chúng ta cũng dành cho Bác tình cảm thiêng liêng, yêu kính nhất trong trái tim, do vậy, tôi đã dành tất cả tâm sức của mình khi thể hiện vai Bác Hồ trong các bộ phim, các vở kịch” - nghệ sĩ Tiến Hợi trả lời. Bất ngờ hơn, nhân Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, diễn viên Tiến Hợi đã đọc cho cả hội trường nghe nguyên văn bức thư Bác Hồ đã gửi cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bằng giọng của Bác.
Mặt trời đứng bóng, các em học sinh vẫn vây lấy các diễn viên để xin chữ ký các thần tượng của mình.
THÚY THÚY