Giá cả trong tầm kiểm soát

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12-2020.

Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Theo nhận định của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, việc kiểm soát giá cả dưới 4% trong năm 2021 như yêu cầu của Quốc hội là hoàn toàn có thể đạt được.

Diễn biến giá cả thị trường trong 10 tháng qua cơ bản nằm trong kịch bản đã được Chính phủ đề ra ngay từ đầu năm, nhưng trước diễn biến giá xăng dầu tăng và một số mặt hàng khác ghi nhận biến động đáng kể gần đây, công tác điều hành giá quý 4 được Chính phủ hết sức quan tâm.

Tại cuộc họp của Chính phủ mới đây về vấn đề liên quan CPI, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá cả thị trường “tăng giảm đan xen”, một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động của các yếu tố cung cầu trong nước và giá thế giới. Theo quy luật của những tháng cuối năm giáp Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu của các mặt hàng thiết yếu thường tăng. Trong khi đó, dù vẫn trong tầm kiểm soát, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn khá phức tạp, tiềm ẩn khó khăn đối với hoạt động sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa. Đây cũng là một áp lực dẫn đến tăng giá.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, từ nay đến cuối năm, dự kiến CPI bình quân tăng khoảng 2% và khả năng hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội và Chính phủ giao trong năm 2021. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, áp lực lạm phát trong năm 2022 sẽ rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước. Gói hỗ trợ kinh tế (đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội) nếu thiết kế và điều hành không khéo cũng có thể dẫn đến một số “tác động phụ” không mong muốn, trong đó có tăng giá.  

Chính vì thế, công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 và đầu năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Cụ thể, là giữ ổn định giá các hàng hóa nhà nước định giá, sát với tình hình, bảo đảm kiểm soát được lạm phát chung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đối với giá các dịch vụ công triển khai theo quy định, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và một số bộ, ngành khác cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, cơ sở để thực hiện. Bộ Y tế cần tập trung hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh…

Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm từ đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 mới đây được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhắc lại khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cho thấy, gói hỗ trợ kinh tế cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, chú trọng cả cung lẫn cầu, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, tài chính công, cơ cấu lại nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục