Giá cầu thủ và thực tài

Mùa chuyển nhượng cầu thủ của bóng đá Việt Nam năm nay không sôi động, nhưng lại có nhiều hợp đồng “bom tấn” như trường hợp của Huỳnh Kesley từ Bình Dương về Xuân Thành Sài Gòn ngót nghét 2 triệu USD hay Leandro rời Hải Phòng đến Bình Dương cũng gần 10 tỷ đồng cho một mùa. Chính những giá trị khủng khiếp đó mới làm nảy sinh các trường hợp như tiền đạo Samson nằng nặc đòi bỏ hợp đồng với Đồng Tháp, sẵn sàng bồi thường gần 4 tỷ đồng bởi vì anh này nhận được lời mời có giá trị rất cao từ một đội bóng khác. 

Giá chuyển nhượng đang đẩy lên chóng mặt. Chỉ mới cách đây 5 năm, 1 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cho một ngôi sao nội địa cũng đã gây sốc, nhưng bây giờ, các trụ cột của một CLB nào đó tại V-League ít nhất cũng có giá 5 tỷ đồng mới có thể “nói chuyện”. 3 năm trước, Lê Công Vinh từ SLNA chuyển ra T&T Hà Nội với giá gần 8 tỷ đồng đã được xem là kỷ lục cho một cầu thủ nội, nhưng nghe đâu, giá chuyển nhượng của tiền đạo Quang Hải từ Khánh Hòa về Navibank Sài Gòn là 10 tỷ đồng?

Thị trường chuyển nhượng tuân thủ theo quy luật cung - cầu. Và trong một chừng mực nào đó, lĩnh vực này có đặc thù riêng, bởi cầu thủ không phải là món hàng sản xuất hàng loạt nên giá cả cũng không thể ấn định ở một mức cụ thể. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Có hay không sự bất hợp lý trong việc định giá chuyển nhượng cầu thủ?

Đơn cử, Công Vinh chưa đóng góp gì nhiều cho T&T Hà Nội để tương xứng với hợp đồng khủng của anh. Mùa bóng vừa qua, Công Vinh bị chấn thương và T&T Hà Nội vẫn vô địch mà không cần có anh. Nói một cách khác, hợp đồng của Công Vinh chỉ đem lại cho T&T Hà Nội danh tiếng nhiều hơn hiệu quả thi đấu. Trường hợp như Công Vinh không ít, có thể kể thêm Lee Nguyễn tại Bình Dương, HA.GL; Vũ Như Thành tại The Vissai Ninh Bình… Giá trị chuyển nhượng rõ ràng chưa tương xứng với mức độ cống hiến.

Do khả năng đào tạo cầu thủ tại Việt Nam còn hạn chế nên các CLB buộc phải lao vào thị trường chuyển nhượng một cách vô thức. Mặt khác, những quy định chuyển nhượng tại Việt Nam còn có nhiều kẽ hở, tạo môi trường cho những tay môi giới, nôm na là “cò cầu thủ” tha hồ tự tung tự tác, khiến giá cầu thủ được đẩy lên vô tội vạ. Được biết, thông thường trong mỗi hợp đồng chuyển nhượng, cầu thủ chỉ nhận tối đa 50% giá trị, số còn lại được chia cho 3 - 5 bên khác nhau. Thậm chí ngay cả bên bán cũng có phần trăm hoa hồng. 

Giá chuyển nhượng quá cao, tất nhiên tạo ra những bất hợp lý về thu nhập trong xã hội. Chưa cần ra sân, chưa biết mức độ cống hiến, cầu thủ đã bỏ túi cả tỷ đồng chỉ bằng một cái gật đầu. Nếu một đội bóng tốn quá nhiều tiền để mua cầu thủ thì họ sẽ phải thu tiền vé vào sân nhiều hơn để bù lại chi phí. Tiền đó, người hâm mộ phải trả thay. Hiện thời, điều này chưa xảy ra do phần lớn các sân đều mở cửa miễn phí nhưng trong tương lai, bóng đá chuyên nghiệp nhất định phải lấy tiền từ khán giả. 

Câu hỏi đặt ra: Ai kiểm soát giá chuyển nhượng? Chắc chắn đó phải là LĐBĐ Việt Nam (VFF), tổ chức quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, VFF gần như đứng ngoài cuộc với lý do cho rằng là việc kinh tế thị trường. Tuy nhiên, họ không thể thản nhiên như vậy khi trong tay vẫn có những công cụ điều chỉnh. Ví dụ như việc siết chặt số lượng ngoại binh ở một CLB dẫn đến giá cầu thủ ngoại tăng chóng mặt. Trường hợp của Huỳnh Kesley là rất rõ. Anh này đã được nhập tịch, được xem là cầu thủ nội nên Xuân Thành Sài Gòn sẵn sàng chi đến 400.000USD để chuyển nhượng cộng với 300.000USD tiền lương mỗi năm để vừa có một cầu thủ ngoại, vừa không bị khống chế số lượng ngoại binh. 

Bóng đá nói cho cùng, vẫn phải phục vụ khán giả. Một cầu thủ xuất sắc có thể đem lại niềm vui cho người xem đã bỏ tiền mua vé vào sân. Nhưng sẽ như thế nào khi hàng tuần, người yêu bóng đá vẫn phải tốn tiền mua vé nhưng chỉ được xem những trận đấu chất lượng kém, còn các ngôi sao thì trình độ chẳng có gì khác biệt. Đấy là chưa nói đến chuyện “kiêu binh”, đá cho tròn vai để tránh chấn thương mà vẫn nhận tiền lương đều đều…

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục