Giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao

Điều quan trọng là phải làm sao để thu hút được các cá nhân, doanh nghiệp, bên liên quan như: nhà khoa học giỏi, doanh nghiệp, các trường đại học, nguồn lực tài trợ đào tạo, nghiên cứu… tham gia vào việc đào tạo. Có như vậy chúng ta mới phần nào giải quyết được “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành công nghệ cao.

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa diễn ra, có một điểm chung các doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ, đó là, cần đẩy mạnh đầu tư cho nhân lực chất lượng cao, nhất là ở những ngành công nghệ cao. 

Ông Marukawa, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là trong mảng IT/AI (công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo), thiết kế, những kỹ sư có thể sử dụng các phần mềm thiết kế sản phẩm 3D hoặc lập trình với sự hỗ trợ của máy tính. 

“Đây là những nhân tố cốt lõi sẽ quyết định sức cạnh tranh trong tương lai cho cả Việt Nam cũng như Panasonic. Việc hiện thực hóa sự gia tăng này sẽ không đủ nếu chỉ đến từ các doanh nghiệp”, ông Marukawa nói.

Ông Marukawa dùng từ “thỉnh cầu” tới Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng, để giải quyết vấn đề không thể thiếu cho sự mở rộng kinh doanh của Panasonic Việt Nam trong tương lai, doanh nghiệp cần sự ủng hộ mạnh mẽ mang tính chiến lược và nhanh chóng để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới IT/AI từ phía Chính phủ.

Đó không chỉ là đề xuất của riêng Panasonic Việt Nam, mà còn của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đang đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Và, trên thực tế, đó cũng là đòi hỏi cấp thiết hiện nay của doanh nghiệp trong nước, đất nước về nâng cao năng lực đào tạo tiệm cận chuẩn mực quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới; thúc đẩy di chuyển lao động giữa Việt Nam và thị trường ASEAN/khu vực…

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, vừa qua, bộ đã làm việc với một số bộ, ngành, địa phương về nhu cầu và chính sách liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao để xây dựng đề án này.

Đề án tập trung vào việc đào tạo và đào tạo lại, với cốt lõi xây dựng những chương trình đào tạo triển khai ở trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong những lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, đổi mới chính sách, đặc biệt là cơ chế và chính sách hỗ trợ tài chính, nhằm thúc đẩy hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học đào tạo chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.

Đề án này của Bộ GD-ĐT rõ ràng là rất cần thiết vì sẽ đáp ứng nhu cầu bức thiết hiện nay của thị trường lao động. Nhưng, để triển khai hiệu quả thì cần bắt đầu từ bước xác định nhu cầu, đặt trọng tâm, trọng điểm cho những lĩnh vực, ngành cụ thể. Đặc biệt, cần tận dụng nhiều kinh nghiệm trong triển khai chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao ở các trường đại học nhóm đầu hiện nay như các trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TPHCM… để xây dựng những chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao.

Bởi, thực tế cho thấy, các ngành công nghệ cao đang rất “hot”, thí sinh đổ xô vào ngành IT, AI, tự động hóa… Vì vậy, các trường đại học đua nhau mở các ngành này. Nhưng, không phải trường nào cũng đào tạo chất lượng, do đó cần “nhân rộng” kinh nghiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học nhóm đầu.

Mặt khác, cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước qua cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước; rất cần xây dựng cơ chế, chính sách cho đào tạo nhân lực công nghệ cao và tạo cơ chế lan tỏa trong đào tạo nguồn nhân lực của toàn hệ thống đại học.

Trong đó, điều quan trọng là phải làm sao để thu hút được các cá nhân, doanh nghiệp, bên liên quan như: nhà khoa học giỏi, doanh nghiệp, các trường đại học, nguồn lực tài trợ đào tạo, nghiên cứu… tham gia vào việc đào tạo. Có như vậy chúng ta mới phần nào giải quyết được “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành công nghệ cao.

Tin cùng chuyên mục