“Giải mã” để làm chủ công nghệ

Phát biểu tại buổi lễ công bố Ngày KH-CN Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội hôm 18-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH-CN thời gian tới là tăng cường nghiên cứu và ứng dụng KH-CN phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo ra năng suất và nhiều giá trị gia tăng cao, khẩn trương thay thế các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng có lẽ chưa bao giờ cấp bách như hiện nay. Khi mà những bất ổn về an ninh kinh tế, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước đang bị thách thức và mối nguy về sự lệ thuộc kinh tế cũng như công nghệ vào Trung Quốc đang hiện hữu. Đã từ rất lâu, nhiều nhà khoa học, những chuyên gia đã không ít lần lên tiếng việc chúng ta nhập khẩu công nghệ bừa bãi, lạc hậu; không chỉ lãng phí tiền của mà ngay giá trị công nghệ cũng kém. Hết câu chuyện mía đường là xi măng, rồi gần đây là vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ...

Hàng chục địa phương, doanh nghiệp Việt Nam tham rẻ đã nhập khẩu những công nghệ, dây chuyền lạc hậu từ Trung Quốc. Ngay những ngành đang ăn nên làm ra hiện nay như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, da giày... thì cũng đang phụ thuộc rất lớn vào thiết bị, máy móc, nguồn nguyên liệu cũng công nghệ của Trung Quốc. Với vấn đề an ninh, bảo mật thông tin, các chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh bảo việc hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay đang sử dụng quá nhiều thiết bị, kỹ thuật của Trung Quốc. Những thiết bị, kỹ thuật mà ngay các nước như Mỹ, Anh, Australia cũng phải lo ngại.

Trong mấy chục năm qua, nhiều quốc gia châu Á đã vươn lên vị trí hàng đầu về KH-CN thế giới nhờ áp dụng chiến thuật “giải mã công nghệ”. Đó là lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Singapore hiện đã định hướng trở thành một quốc gia dịch vụ KH-CN và tạo mọi điều kiện để các hãng lớn chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư chuyên gia trong nước. Hiện nay, Singapore không chỉ dừng lại ở dịch vụ mà còn bắt đầu mở những nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đóng góp doanh thu ngày càng lớn và GDP của đất nước. Tầm quan trọng của hoạt động “giải mã công nghệ” đã được khẳng định, nhưng để triển khai và thực hiện thành công hoạt động này cần nỗ lực rất lớn. Các kết quả điều tra, đánh giá trình độ công nghệ trong nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam cho thấy mức đầu tư cho các hoạt động thích nghi công nghệ nhập khẩu mới đạt khoảng 0,5% doanh thu, trong khi con số này ở Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là 5% - 10%. Đây là lý do chính dẫn đến tình trạng công nghệ, máy móc sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam luôn đi sau, lạc hậu hơn nhiều nước trong khu vực.

Được sự đề xuất và ủng hộ từ chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, từ cuối năm 2012 kế hoạch xây dựng Viện KH-CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) đã từng bước được thực hiện, đến nay đã hoàn chỉnh một dự thảo kế hoạch tổng thể. Theo đó, mục tiêu của V-KIST là phát triển các công nghệ ứng dụng phục vụ các ngành công nghiệp, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tiến tới làm chủ những công nghệ quan trọng là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Các chuyên gia Hàn Quốc đề xuất V-KIST nên chú trọng vào mục tiêu nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp. Đây là chiến lược từng giúp Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, trở thành một quốc gia hiện đại có các ngành công nghiệp hùng mạnh: các ngành công nghiệp điện tử - có các sản phẩm bộ nhớ (memory chip) chiếm 67% thị phần toàn cầu, màn hình phẳng chiếm 47%, điện thoại di động chiếm 35% và công nghiệp đóng tàu thủy của Hàn Quốc hiện đang đứng số 1 thế giới, các ngành công nghiệp ô tô hóa dầu, thép hiện đang được xếp thứ 5 thế giới. Đó là những bài học mà Việt Nam có thể tham khảo trong bối cảnh hiện nay. Làm sao để cùng với nghiên cứu khoa học cơ bản, Việt Nam là quốc gia mạnh về khoa học ứng dụng, công nghệ mới? Làm sao để KH-CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội? Làm sao để không còn phụ thuộc về kinh tế cũng như công nghệ vào nước ngoài?... Đó là những câu hỏi lớn, đầy trăn trở cần sớm có lời giải đáp. Tất nhiên trước mắt cần có những quyết sách lớn và sự đầu tư mạnh trên mọi phương diện, cả tiền bạc và con người ở tất cả các cấp. Hướng tới, người Việt Nam không chỉ biết sử dụng công nghệ mà còn biết tự phát triển, làm chủ mọi công nghệ, thiết bị, máy móc hiện đại để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục