Giải Nobel Kinh tế được trao cho những đóng góp giảm nghèo toàn cầu

Ủy ban Giải Nobel thuộc Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 14-10 đã công bố trao giải Nobel Kinh tế 2019 cho 3 nhà khoa học người Mỹ là Abhijit Banerjee (gốc Ấn Độ), Esther Duflo (gốc Pháp) và Michael Kremer (Mỹ) vì công trình của họ đóng góp vào việc giảm nghèo đói toàn cầu.
Các chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2019 (từ trái qua): Esther Duflo, Michael Kremer và Abhijit Banerjee
Các chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2019 (từ trái qua): Esther Duflo, Michael Kremer và Abhijit Banerjee

Đây là lần thứ 2 sau 50 lần trao, giải Nobel Kinh tế được trao cho phụ nữ, nhà kinh tế Esther Duflo thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts. Tiến sĩ Abhijit Banerjee là cộng sự của bà Duflo và ông Micheal Kremer là giáo sư kinh tế của Đại học Havard. Theo Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển, các nhà khoa học này được vinh danh với công trình nghiên cứu cho các nền kinh tế đang phát triển, về giảm thiểu nghèo đói toàn cầu. 

Chỉ trong 2 thập niên, cách tiếp cận dựa trên thử nghiệm mới của họ đã làm thay đổi nền kinh tế các nước đang phát triển. Trong các công trình nghiên cứu của 3 nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế 2019, bao gồm các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất để cải thiện giáo dục trẻ em. Vào giữa những năm 1990, ông Kremer và các đồng nghiệp đã chứng minh cách tiếp cận dựa trên thí nghiệm có thể can thiệp nhằm cải thiện kết quả học tập ở phía Tây Kenya. Ba người đã sớm thực hiện các nghiên cứu tương tự về các vấn đề khác và ở các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ. Theo kết quả của một trong những nghiên cứu của họ, hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ đã được hưởng lợi từ các chương trình giảng dạy trong trường học. Phương pháp nghiên cứu của họ giờ đây phổ biến trên toàn cầu. 

Đến nay, giải Nobel Kinh tế đã được trao 50 lần cho 81 nhà khoa học. Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 5 và cũng là giải thưởng khép lại mùa Nobel 2019. Người đoạt giải sẽ chia nhau 9 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 915.000 USD).

Tin cùng chuyên mục