Giải pháp đồng bộ

Hàng năm, cứ bước vào mùa khô, nỗi lo thiếu điện lại bao trùm lên toàn xã hội. Nhìn lại các năm trước, đặc biệt trong mùa khô 2010, cả nước một phen lao đao vì điện cúp trên diện rộng. Mất điện, cuộc sống người dân bị đảo lộn, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Con số thống kê sơ bộ cho thấy, hàng năm Việt Nam thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng, chưa kể nhiều sinh mạng của bệnh nhân bị cướp đi vì điện cúp vô tội vạ…

Để đảm bảo nguồn cung điện phục vụ sản xuất và đời sống, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có tầm nhìn đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI). Trong đó, đưa ra dự báo mục tiêu phụ tải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP khoảng 8,5% - 9%/năm giai đoạn 2006-2010… Và giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư…

Theo chỉ đạo đó, ngành điện đã đầu tư hàng loạt nhà máy điện các loại với công suất vượt 21.000MW. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Công thương, nhu cầu điện cả nước đến thời điểm hiện tại chỉ cần 17.000MW, nghĩa là đang dư công suất hơn 4.000MW. Vậy vì sao vẫn thiếu điện?

Vấn đề là dù đầu tư đến trên 21.000MW, nhưng hiện công suất khả dụng chỉ dao động 15.000-16.000MW với sản lượng dự kiến đạt 97,38 tỷ kWh đến hết năm 2010 (tính chung cả nguồn điện nhập khẩu là 4,6%). Nguyên nhân được EVN thừa nhận, trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu kém… nên đã không đưa vào vận hành đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, hầu hết nhà máy hiện hữu đang gặp “trục trặc” như: thủy điện thiếu nước, nhiệt điện “đổ bệnh” do đến thời kỳ bảo trì sửa chữa định kỳ, thiếu nguyên liệu hoặc nguyên liệu giá cao… phải ngừng thời gian dài khiến sản lượng điện thiếu hụt tăng lên. Chính vì vậy, ngành điện đưa ra cảnh báo, năm 2011 cả nước thiếu ít nhất 5 - 7 tỷ kWh; đồng thời kêu gọi toàn dân chung sức tăng cường tiết kiệm điện. Như vậy, việc thiếu điện năm tới không còn là cảnh báo.

Trước thực trạng căng thẳng nguồn cung sản lượng điện, ngay từ bây giờ toàn xã hội phải tìm giải pháp “tự vệ”, thích nghi “sống chung với thiếu điện”. Các cơ quan ban ngành làm gương đi đầu, đồng thời tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa giải pháp tiết kiệm điện, thay vì hời hợt như lâu nay. Mỗi người dân cần nêu cao ý thức tiết kiệm điện, đặc biệt trong những giờ cao điểm. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần sớm chuyển đổi máy móc, công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều điện, chủ động trang bị máy phát điện dự phòng. Các ngành chức năng cần mạnh dạn quy hoạch, loại bỏ những nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu trong ngành, lĩnh vực sản xuất “ngốn” nhiều điện như thép, xi măng...

Mặt khác, sớm hình thành và đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhằm tạo ra “sân chơi” lành mạnh giữa các đơn vị phát điện; khuyến khích tiết kiệm chi phí trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện để có được giá điện hợp lý, minh bạch. Đồng thời, từng bước đưa ra lộ trình điều chỉnh giá điện sao có thể thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, song không tăng quá “sốc” khiến cuộc sống người dân, cộng đồng doanh nghiệp bị xáo trộn.

Cuối cùng, nhanh chóng cải tổ hệ thống điện là cách “chữa bệnh” tận gốc vấn đề giá cả, tình trạng thiếu điện. Đó là việc không thể trì hoãn.

Bách Việt

Tin cùng chuyên mục