Giải pháp phát triển "Mô hình đại học bền vững"

Chiều 8-12, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức chuỗi sự kiện Ready for Next 2022 (diễn ra đến ngày 11-12). Với chủ đề “Sẵn sàng chuyển đổi cho sự phát triển bền vững của cộng đồng”, sự kiện thu hút hơn 13 đối tác, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước tham dự.

Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia đồng hành của TS Chung Un-chan, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc, nguyên Hiệu trưởng ĐH Quốc Gia Seoul và TS Park Young June, nguyên Thứ trưởng Bộ Kinh tế tri thức Hàn Quốc, Hiệu trưởng danh dự Trường Công nghệ - Thiết kế UEH (Trường ĐH Kinh tế TPHCM).

Giải pháp phát triển "Mô hình đại học bền vững" ảnh 1 GS-TSKH Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TPHCM phát biểu tại chuỗi sự kiện Ready for Next 2022 vào chiều  8-12

Thông qua 4 hội thảo khoa học quốc tế, với 25 phiên hội thảo chuyên sâu, các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước trình bày các tham luận xoay quanh chủ đề về bền vững, công nghệ, nghệ thuật. Tại phiên hội thảo chuyên sâu về “Mô hình đại học bền vững”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều vấn đề để cùng thảo luận như các giải pháp tiếp cận, vai trò của nghiên cứu khoa học trong phát triển đại học bền vững; sự cam kết của các trường đại học về phát triển vùng và cộng đồng có trách nhiệm và bền vững.

Ngoài ra, trong chuỗi sự kiện này còn có nhiều hội thảo chuyên sâu khác về những vấn đề như: quan điểm khoa học đô thị về các giải pháp địa phương đối với các thách thức toàn cầu; các sáng kiến thúc đẩy sự chuyển đổi của các cộng đồng có khả năng phục hồi; thiết kế kiến trúc và đô thị tăng cường khả năng phục hồi.

Giải pháp phát triển "Mô hình đại học bền vững" ảnh 2 Các chuyên gia, khách mời quốc tế tham gia chuỗi sự kiện Ready for Next 2022 chiều ngày 8-12
Đánh giá về chuỗi sự kiện Ready for Next 2022, TS Chung Un-chan, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng: “Chương trình có ý nghĩa đặc biệt khi 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một chương trình khoa học, nghệ thuật lan tỏa những giá trị bền vững vô cùng thiết thực đối với xã hội. Tại đây, các trường đại học, các tổ chức trong và ngoài nước sẽ cùng nhau gắn kết, tạo nên một mạng lưới lan tỏa những kiến thức khoa học cần thiết, kết hợp kinh tế, công nghệ và nghệ thuật để giải quyết các vấn đề của xã hội.”

Dịp này, TS Chung Un-chan cũng trình bày tham luận với chủ đề “Hướng tới tăng trưởng bền vững ở Việt Nam: Bài học từ kinh nghiệm của Hàn Quốc”. Cùng với đó, ông cũng chia sẻ và giải đáp những câu hỏi như “Việt Nam đang là nước tăng trưởng nhanh nhưng làm sao giữ được năng lượng tăng trưởng này và làm sao cho nó bền vững?”. Theo ông, một trong những yếu tố cơ bản góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng của Hàn Quốc đó chính là giáo dục. Khi nền kinh tế phát triển, một quốc gia phải chuẩn bị để chuyển mục tiêu giáo dục từ chuyển giao kiến thức sang tạo ra tri thức, quốc gia đó phải được chuẩn bị để thích nghi và chuyển trọng tâm sang việc tạo ra và đóng góp tri thức cho phần còn lại của thế giới. Những nỗ lực như vậy sẽ sớm đưa các thế hệ trẻ tiếp xúc với những thách thức mới để họ được trang bị sự tự tin và tính linh hoạt, thích ứng với toàn cầu hóa hiện nay.

Tin cùng chuyên mục