Trong số 35 vụ việc khiếu nại phức tạp được Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND và Thường trực UBND TPHCM tập trung giải quyết trong kế hoạch tiếp xúc, lắng nghe những bức xúc của người dân từ cơ sở theo chương trình của Thường vụ Thành ủy TPHCM về giải quyết những vụ việc tồn đọng sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), chiếm phần lớn là những vụ khiếu nại kéo dài hàng chục năm, gây bức xúc cho dân.
Giải quyết dứt điểm
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đưa vụ việc của ông Nguyễn Tấn Lực (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) ra xem xét, giải quyết đầu tiên, vì như các cơ quan chức năng báo cáo là bức xúc, kéo dài 20 năm qua. Thế nhưng, khi nắm lại sự việc, đồng chí Lê Thanh Hải thấy ngay mấu chốt của vấn đề mà ông Lực khiếu nại chính là con đường do Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) sử dụng từ chỗ là đường nội bộ, sau được giao cho chính quyền quản lý và đặt tên đường Vũ Ngọc Phan. Mặc dù không còn quản lý, song Vissan nhất quyết không chịu đập bỏ bức tường để gia đình ông Lực có lối đi. Chuyện chỉ có thế mà ông Lực mất 20 năm “gõ cửa” khắp nơi, và nơi nào cũng nhận đơn, cũng nghe ông trình bày nhưng không giải quyết. Đến khi đồng chí Lê Thanh Hải chỉ ra những bất hợp lý và thiếu thiện chí của các bên, trong đó có trách nhiệm của chính quyền quận Bình Thạnh, vụ việc được giải quyết chỉ trong vòng 20 phút.
Một vụ khiếu nại khác ở quận Bình Thạnh, cũng do đồng chí Lê Thanh Hải trực tiếp giải quyết. Đó là trường hợp ông Phùng Tấn Ngạn (ngụ phường 6, quận 3) hơn 30 năm khiếu nại đòi 28,6m² là một phần căn nhà của ông ở số 77 Quốc lộ 13 (phường 26, quận Bình Thạnh) mà nhà nước xác lập sở hữu sai. Năm 1987, UBND quận Bình Thạnh ra quyết định trả nhà cho ông. Thế nhưng, 20 năm sau - năm 2007 - ông mới nhận được quyết định và UBND quận Bình Thạnh đã “khoán” cho ông tự thương lượng với ông Phạm Huy Thạch - người mua lại bằng giấy tay của ông Phan Tấn Phùng - được nhà nước cấp sử dụng. Việc thương lượng không thành và UBND quận Bình Thạnh cũng biết, cũng lắng nghe và hiểu sự việc nhưng “bó tay”.
Khi Bí thư Thành ủy TPHCM đưa ra cách giải quyết trên tinh thần mỗi bên (kể cả nhà nước) vừa được lợi nhưng cũng phải chịu thiệt một chút, thế là đồng ý ngay. Từ chỗ bức xúc, ông Ngạn đã tâm phục, khẩu phục: “Ông bí thư nói vậy, tôi xin nghe. Tôi xin hiến 50% giá trị căn nhà tặng người nghèo”.
Trong 6 vụ việc mà Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân tiếp xúc giải quyết cũng có nhiều trường hợp chuyển lên chuyển xuống hết cấp này đến cấp khác hàng chục năm vẫn không xong. Trong đó, vụ đòi nhà 97A Nguyễn Trãi (quận 1) của bà Ngô Thị Nên là một điển hình. Đầu tiên là quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu cấp sai quy định cho ông Nguyễn Văn Thọ và bà Lê Thị Hằng. Tiếp theo là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho phép bà Nên - người lưu cư - và con là ông Lê Hoài Kỳ, nguyên chủ nhà đã đi nước ngoài được thuê và mua theo Nghị định 61. Sau đó, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lập thủ tục cho hộ bà Lê Thị Đa gồm 5 người là con, cháu và bà Nên đều là những người lưu cư được thuê, mua căn nhà theo Nghị định 61. Hướng giải quyết này không được bà Nên chấp nhận vì cho rằng chưa thấu đáo, không công bằng.
Chưa có tiếng nói chung
Trong các khiếu nại về đền bù, thực hiện các dự án thường có các bên liên quan gồm: người bị thu hồi đất, chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư các dự án thuộc ngân sách nhà nước lại phức tạp hơn do giá bồi thường được nhà nước quy định. Các vụ khiếu nại của bà Nguyễn Thị Phương (ngụ phường 5, quận Tân Bình), ông Lê Văn Hạnh (ngụ phường 14, quận 5)… về đền bù, giải tỏa thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng kéo dài nhiều năm nay do chính quyền quận 2 và chủ đầu tư không có tiếng nói chung với người dân về diện tích, mức giá đền bù khiến khiếu nại trở nên gay gắt. Trong đó, vụ của bà Nguyễn Thị Phương đã khiếu nại đến lần thứ ba từ quận đến TP và ra tận trung ương. Báo chí đã phản ánh nhiều lần, song đến nay bà Phương chưa một lần được gặp gỡ, đối thoại với người có trách nhiệm của quận 2 trong việc tìm biện pháp giải quyết dứt điểm.
Các trường hợp của ông Hà Quang Thông (ngụ quận 1), Trịnh Kim Vinh (ngụ quận 5) khiếu nại đòi lại nhà đã bị nhà nước xác lập sở hữu nếu được tiếp xúc, đối thoại thì vụ việc đã không kéo dài hàng chục năm. Việc giải quyết vụ việc tưởng chừng phức tạp trên chỉ qua một văn bản của UBND TP hướng dẫn, giải thích cụ thể theo các quy định pháp luật nhà đất từ năm 1975 đến nay đã giúp người dân hiểu đúng, “hạ nhiệt” và chấp hành.
| |
Hoài Nam